Giỏ hàng

Bát Tràng - Cái Nôi của huyền thoại gốm

Bát Tràng - Cái Nôi của huyền thoại gốm

Bát Tràng là một làng nghề truyền thống nằm bên sông Hồng, từ bao đời nay, lặng lẽ cung cấp những sản phẩm gốm sứ tinh tế


Bát Tràng là một làng nghề truyền thống nằm bên sông Hồng, từ bao đời nay, lặng lẽ cung cấp những sản phẩm gốm sứ tinh tế, sống động, ắp đầy màu sắc quê hương. Ngày nay, sản phẩm của Bát Tràng còn trở thành vật phẩm mang tính văn hoá, nghệ thuật cao, được thế giới ngưỡng mộ.
Triển lãm "Nghề gốm Bát Tràng - Cổ truyền và hiện đại" được vinh dự là một trong những sự kiện văn hoá tiêu biểu của Hà Nội diễn ra nhân kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đến Bát Tràng những ngày triển lãm, không khí lễ hội ngập tràn trong từng con ngõ. Đây là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mỗi người thợ dồn hết tâm huyết, sự sáng tạo cùng đôi bàn tay tài hoa để cho ra đời những mẫu mã mới nhất, đẹp nhất giới thiệu trong triển lãm. Những lọ gốm, bát đĩa vẽ hình rồng bay, tháp rùa, hoa sen… Toàn bộ mặt bằng bảo tàng gốm sứ Bát Tràng, chợ gốm sứ được sử dụng làm nơi triển lãm sản phẩm mới. Nhưng, độc đáo hơn cả là đồ "gia bảo" được lưu giữ từ đời này sang đời khác của một số gia đình cũng được trưng bày như chiếc đỉnh bằng gốm tráng men đắp nổi rồng, nghê thời Cảnh Hưng, các dòng gốm qua các thời kì, các dòng men như men Lam thời Nguyễn… 



Bến gốm Bát tràng.
Triển lãm được trưng bày theo chủ đề "Huyền thoại gốm", "Hoa của đất", "Hội nhập" và "Lan toả". Hoạt động đầu tiên trong chương trình lễ hội là lễ rước tổ nghề được tổ chức trang trọng, linh thiêng. Đoàn rước đi qua triển lãm sau đó về đình làng Bát Tràng. Đây là nghĩa cử của con cháu tỏ lòng biết ơn với tổ nghiệp. Ngay sau đó là lễ dâng hương tại đình làng, một không khí tâm linh, thành kính bao trùm khi bài văn khấn được nghệ nhân cao tuổi nhất đọc nói lên lịch sử hình thành và quá trình phát triển của làng. Người Bát Tràng có quyền tự hào khi sản phẩm truyền thống gạch Bát Tràng có mặt từ nhiều thế kỉ trước để xây dựng nên Hoàng thành Thăng Long và nhiều công trình kiến trúc cổ xưa. Sau bao năm, những viên gạch vẫn tươi nguyên màu đất. "Huyền thoại gốm" là chủ đề thu hút khách tới thăm quan đông nhất. Tại đây, người xem có thể tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất đồ gốm, từ khâu chọn đất, xử lí, pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phơi sấy sản phẩm, sửa hàng mộc cho đến thưởng thức kĩ thuật vẽ, tạo men, tráng men điệu nghệ của các nghệ nhân tài hoa. Tôn vinh các nghệ nhân là nội dung chính của chủ đề "Hoa của đất". Để làng nghề có được sức sống mạnh mẽ như ngày nay, người Bát Tràng, ngoài cái tinh, cái nhạy còn chứa đựng một tình yêu da diết với nghề gốm cổ truyền. Bằng lòng yêu nghề, kiến thức, kinh nghiệm cộng với sự miệt mài lao động, sáng tạo, mỗi người thợ gốm Bát Tràng tìm tòi, phát hiện để phục chế lại các nước men gốm sứ. Thành quả lao động của lớp nghệ nhân cao tuổi cùng sức trẻ đã làm nên một thế giới gốm Bát Tràng đa dạng, sống động, lấp lánh sắc mầu từ nắm đất quê hương. Người thợ gốm yêu nghề, quan niệm sản phẩm mình làm ra chẳng khác nào cơ thể sống, có sự kết hợp hài hoà của ngũ hành Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ cộng với yếu tố tinh thần tâm linh. Tất cả cùng hoà quyện để tạo nên một sản phẩm có hồn. Làng Bát Tràng là nơi hội tụ nhân tài. Nghệ nhân Trần Độ nổi tiếng với việc phục chế gốm cổ Thăng Long, gốm men nâu đời Trần và sáng chế nhiều màu men độc đáo. Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn chuyên sâu về lĩnh vực phục chế gốm cổ. Nghệ nhân Tô Thanh Sơn phục chế gốm men Lam thời Nguyễn, pha chế thành công men rạn hiện đại. Nghệ nhân Trần Hợp nổi tiếng với hai nước men Kết tinh và Huyết dụ. Nghệ nhân Nguyễn Lợi và nghệ nhân Phạm Thị Châu là cặp vợ chồng duy nhất của làng Bát Tràng được công nhận "Nghệ nhân Hà Nội". Nghệ nhân Phạm Tiến Khang chuyên về tranh sứ và tranh gốm… tất cả mỗi người một vẻ, cùng góp sức tạo nên thương hiệu gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng như ngày nay. 
Không chỉ phát triển trong làng, người Bát Tràng còn chủ động giao lưu với nhiều làng nghề truyền thống khác như gốm Phù Lãng, gốm Chu Đậu, Đông Triều, sáng tạo kết hợp giữa gốm với các sản phẩm khác như mây, tre để tạo ra sản phẩm mới đẹp hơn, hoàn chỉnh hơn, nâng tầm các sản phẩm cả về mĩ thuật và ứng dụng. 5 ngày triển lãm "Nghề gốm Bát Tràng - Cổ truyền và hiện đại" nhanh chóng qua đi, 10 ngày Đại lễ cũng khép lại trong tiếc nuối của nhiều người, nhưng những gì đọng lại là sự nối tiếp đời đời của các thế hệ làng nghề, thể hiện ý thức bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của mỗi người dân Bát Tràng.

Facebook Youtube Top