Bát Tràng giải bài toán ô nhiễm
Đã là làng nghề thì không tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường. Vậy, cách làm nào vừa thúc đẩy kinh tế phát triển mà lại khắc phục được ô nhiễm trong xây dựng làng nghê truyền thống ở nước ta hiện nay? Câu hỏi trên sẽ được trả lời phần nào khi tham quan công nghệ lò nung gốm bằng ga của làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Bát Tràng giải bài toán ô nhiễm
Đến Bát Tràng ngày nay, chúng ta có thể thoải mái căng lồng ngực hít thở không khí trong lành mà không lo sợ thứ mùi khét lẹt của khói than xộc vào hai lá phổi. Và để dễ hình dung so sánh Bát Tràng xưa và nay, hãy quay ngược thời gian trở lại với Bát Tràng khoảng chục năm về trước qua ký ức của chính những người trong cuộc thì mọi chuyện sẽ rõ.
Những nghệ nhân trung tuổi ở làng gốm Bát Tràng kể lại, trước đây hơn 700 hộ sản xuất ở Bát Tràng đều nung gốm bằng công nghệ lò hộp truyền thống. Do vật liệu đốt chính là than, thời gian nung gốm kéo dài từ 3 - 5 ngày nên các lò phải hoạt động liên tục hết công suất gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Chưa dừng lại ở đó, lò hộp còn thải chất rắn công nghiệp tàn phá cây xanh, công trình xây dựng, trở thành một trong những tác nhân chính làm gia tăng các bệnh về ung thư và đường hô hấp.
Ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho hay, trước năm 2006, Bát Tràng tiêu thụ hết khoảng 4.000 tấn than/năm, xả ra môi trường hàng trăm mét khối khí và nước thải chưa qua xử mỗi ngày khiến ao hồ, kênh mương ở Bát Tràng toàn một màu đen kịt, cá tôm không thể sống sót. Khi một số tổ chức y tế và môi trường công bố kết quả điều tra thì người ta mới ngã ngửa ra rằng, cứ năm người dân Bát Tràng thì có một người mắc bệnh liên quan đến khói than từ các lò nung gốm. Điều đó khiến bà con nơi đây tìm cách thay đổi công nghệ khi sự việc chưa quá muộn.
|