Bát Tràng một nét văn hoá
Sau khi mở rộng địa giới, Thủ đô Hà Nội có tới hơn 1000 làng nghề, nhưng chưa làng nào có tuổi nghề cao và bề dày văn hoá như làng gốm Bát Tràng.
Sản phẩm của Bát Tràng đã đi vào thơ ca, văn học. Còn nhớ hai chục năm về trước, đơn vị tôi có một chiến sỹ tên là Phạm Đình Minh quê ở Bát Tràng, chiến đấu rất dũng cảm, được thưởng huân chương Chiến công ở biên giới Tây Nam
Sau khi mở rộng địa giới, Thủ đô Hà Nội có tới hơn 1000 làng nghề, nhưng chưa làng nào có tuổi nghề cao và bề dày văn hoá như làng gốm Bát Tràng.
Sản phẩm của Bát Tràng đã đi vào thơ ca, văn học. Còn nhớ hai chục năm về trước, đơn vị tôi có một chiến sỹ tên là Phạm Đình Minh quê ở Bát Tràng, chiến đấu rất dũng cảm, được thưởng huân chương Chiến công ở biên giới Tây Nam. Là người chỉ huy, tôi gợi ý cho Minh đi học trường Lục quân để đào tạo thành sỹ quan. Cậu ta cảm ơn nhưng một mực khước từ nói rằng, chiến đấu xong cứ cho em ra quân để về quê tiếp tục theo nghề gốm sứ. Minh còn ghi rõ địa chỉ mời tôi sau này có dịp về chơi. Gần đây, về hưu rồi cũng rảnh rỗi, nhớ lời cậu Minh nói, tôi làm cuộc hành hương về Bát Tràng thăm người lính cũ của mình. Về đây, tìm hiểu tình hình tôi mới vỡ lẽ vì sao cậu Minh lại yêu nghề gồm sứ đến thế.
Từ xa xưa, nơi đây là bãi đất rộng thuộc trấn Kinh Bắc. Con sông Cái (sông Hồng) chảy qua đây bên lở bên bồi tạo thành bãi trước, mé ngoài đê Kinh Dĩ. Dần dần mạch nước bị bồi lấp nay thành đầm nước thả sen. Bãi bồi có sẵn nguồn đất trắng nên được gọi là bãi Bạch thổ. Cuối đời Lý, đầu đời Trần vào thế kỷ XIII, ở đây đã có nghề làm đất nung. Thế kỷ XVI, Lê Trung Hưng xua binh diệt nhà Mạc. Dân tình loạn ly, đói khổ, một số người thuộc năm dòng họ Phạm - Lê - Trần - Nguyên - Vương từ xứ Thanh chạy dạt ra Bắc đến sinh sống ở phường Bạch Thổ trong đó có cụ họ Nguyễn mang theo men gốm sành gia truyền làm chum vại. Hai cộng đồng toàn dân ngụ cư ở trấn Kinh Bắc và Thanh Hoá cùng chung cảnh nghèo họp lại thành Chạ Đọi chuyên nghề làm bát đĩa.
Trải qua năm tháng, đất trắng và chất đốt khan hiếm, thợ có tay nghề cao đến tuổi già chết dần, làng gốm liêu xiêu. Hàng sành sứ của Tau tràn vào ồ ạt. Nhưng rồi cơn lốc cũng qua đi, làng nghề Chạ Đọi vẫn trụ vững và phát triển. Dân đã đông, địa giới đã được định rõ, cư dân làng Chạ làm sớ tâu lên triều đình cho được mang tên Bát Tràng. Từ làm gạch, chum vại, chuyển dần sang làm đồ gốm sứ. Làng nghề mỗi năm mạnh lên, hàng làm ra đẹp, bán lại rẻ dần dần đẩy hàng Tàu ra tận Móng Cái. Bát đĩa Tàu không vào được vùng Kinh Bắc - Thăng Long nữa, bát của người Hoa làm ở Móng Cái được gọi là bát phố, còn bát đàn là của dân Bát Tràng sản xuất. Ngày nay ở giữa nội đô giờ vẫn còn một phố mang cái tên cổ xưa: phố Bát Đàn.
Trong số dân Thanh Hoá chạy loạn ra đây định cư có cụ Nguyễn Ninh Tràng là người đến sớm nhất nên dân Bát Tràng tôn vinh họ Nguyễn làm họ tổ. Hiện trạng văn phả lưu giữ trong đình làng còn ghi tên nhiều bậc danh nho ở đây đã đỗ đạt caocử nhân, tiến sỹ. Ở trong đình có một đôi câu đối ghi rõ "Bội lễ phục nhân cổ vũ tư đào giáo hoá / Tuý tửu bão đức âu ca cộng lạc thái bình". Có nghĩa là "Muốn giữ được điều nhân đức phải phát triển nghề gốm và dạy học. Cơm rượu xong phải cùng hát khúc ca mừng vui yên bình". Rõ ràng các bậc tiền nhân của Bát Tràng xưa rất coi trọng cốt cách tâm hồn nghề nghiệp, tìm mọi điều tốt lành để giữ cho xóm làng hoà thuận yên vui. Người Bát Tràng giàu mà vẫn có đức độ. Gạch bát bán ra đều có chầu, có phụ (nay ta gọi là khuyến mại) không nhận thêm tiền. Bát đĩa không buộc chục vì người bán không bao giờ độn hàng xấu vào giữa dây như nơi khác.
Giờ đây làng cổ Bát Tràng đã có hơn 700 năm lịch sử, đang chuyển mình trong cuộc sống đô thị hoá trên diện tích đất thổ cư chỉ còn 50 hecta với 1100 lò gốm của 1233 hộ dân, trên 5000 dân và 3000 người từ các nơi khác đến làm thuê. Do nguồn nguyên liệu đã cạn kiệt, hàng năm Bát Tràng phải "nhập khẩu" từ các nơi 100.000 tấn đất trắng, 85.000 tấn than để làm ra các sản phẩm ngày càng đẹp, phong phú, đa dạng. Nhờ biết lấy cái tâm, cái đức làm nền tảng văn hoá, lấy chữ tín làm trọng trong sản xuất kinh doanh nên gốm sứ Bát Tràng đã khẳng định được uy tín thương hiệu của mình, đồ sứ Bát Tràng bước đầu đã vươn được ra thị trường nước ngoài đúng như đôi câu đối ở đình làng: "Truyền nghề làm bát, bùn hoá quí/ Lửa than hun đúc, đất thành vàng".