Giỏ hàng

ĐỀ TÀI TRANG TRÍ KỲ LÂN TRÊN GỐM CỔ CHU ĐẬU

Trong số những cổ vật khai quật được từ con tàu đắm vào thế kỷ thứ 15 tại vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An) thì đáng chú ý và nổi bật nhất là những chiếc đĩa đại. Gọi là đĩa đại vì kích thước to lớn của nó mà khó có thể tìm được trong cuộc sống hiện tại ngày nay và cũng để phân biệt với những loại đĩa khác có kích thước nhỏ hơn như đĩa lớn, đĩa trung, đĩa nhỏ.

Chiều cao trung bình của mỗi chiếc đĩa đại từ 95mm đến 100mm, vành miệng đĩa rất rộng với đường kính dao động từ 440mm đến 450mm, đường kính của đáy đĩa từ 310mm đến 320mm.

vẽ kỳ lân lên gốm

Điều gây chú ý và ấn tượng nhất ở loại đĩa này là những hình vẽ trang trí trong lòng đĩa với một kỹ năng hội họa ở trình độ cao, tay nghề điêu luyện với những hình tượng rất đa dạng như: sư tử, kỳ lân, ngựa, voi, chim phượng hoàng...hay những bức tranh phong cảnh thần tiên, những cung điện nguy nga lộng lẫy, những kiến trúc lầu son gác tía...hay hoa lá, cỏ cây như hao mẫu đơn, hoa sen, hoa cúc... Trong số những đề tài trang trí này thì hình tượng con kỳ lân được thể hiện nhiều nhất với những dáng vẻ, tư thế và sắc khí đa dạng. Hầu hết những đĩa đại vẽ hình tượng kỳ lân đều được phủ một lớp men màu lam trên thân đĩa và lớp men màu nâu dưới đáy đĩa. Nét chính tiêu biểu ở những đĩa đại vẽ hình kỳ lân đều theo một môtíp: kỳ lân trong mây với những quả cầu kim tuyến, tiền kim loại tròn hoặc những những hình tượng có dạng tròn tương tự.

Gốm sứ Bát Tràng - gom su bat trang - gom su - gốm sứ

Quả cầu hay những đồng tiền kim loại cũng được thể hiện ở những vị trí khác nhau, khi thì lăn tự do, khi thì bị giữ chặt giữa hai hàm răng của con kỳ lân, khi thì bị kẹp chặt giữa những móng vuốt của hai chân trước. Hình dáng, tư thế và sắc thái của kỳ lân thì được thể hiện hết sức cường tráng, khỏe mạnh và sinh động. Dù chỉ là những nét hội họa trên gốm nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được sự linh hoạt và oai vệ vốn có của kỳ lân. Chân và đuôi luôn luôn dang rộng ra và đầu thì hơi nghiêng về phía sau hoặc quay ngược 90 độ nhìn hẳn về phía sau. Đặc biệt là khuôn mặt của kỳ lân được thể hiện rất cụ thể và chi tiết. Khuôn mặt của kỳ lân luôn biểu lộ tính khí khi vui, khi buồn, lúc giận dữ, lúc vui đùa giỡn bóng... Cặp mắt to mở rộng với cái nhìn sắc lạnh, tinh anh, đồng tử luôn luôn giãn rộng. Đôi tai của kỳ lân cũng được thể hiện rất đa dạng, khi phe phẩy, khi giãn rộng, khi dựng đứng, khi một tai cụp một tai xòe... Có một vài đĩa, khuôn mặt kỳ lân được thể hiện thêm với cái bờm rậm rạp đỏ rực như lửa bao quanh, cặp răng nanh sắc nhọn đang nhe ra như chứng tỏ sức mạnh... Bên cạnh nét trang trí chủ đạo là hình tượng kỳ lân trong lòng đĩa, vành trong của loại đĩa này thường được trang trí theo mô típ những mẫu hình oval được bao quanh bởi những đường lượn sóng mép vỏ sò. Thông thường là 6 mẫu hình oval trên mỗi vành đĩa, bên trong mỗi hình oval trang trí hoa lá, cây cỏ hoặc chim muông. Thân ngoài của đĩa thì được trang trí bằng một dải cánh hoa sen cách điệu bao quanh... Nét trang trí chủ đạo trong lòng đĩa và những nét trang trí phụ bên trong và bên ngoài đĩa tạo nên một sự kết hợp rất hài hòa, đẹp mắt, ấn tượng và quý giá.

Facebook Youtube Top