Du lịch Hà Nội tham quan làng gốm cổ truyền Bát Tràng
Bát Tràng – thương hiệu gốm sứ hàng đầu Việt Nam Ngôi làng chỉ cách con sông Hồng hiền hòa khoảng vài trăm mét, nhưng khắp làng là la liệt những bức tượng đủ kích thước trắng xóa, nằm lăn lóc trước những ngôi nhà xây bằng đá, với những khung cửa rộng mở như muốn đón cả thế giới đến thăm.
Ấn tượng với quá trình làm nên các tác phẩm gốm sứ
Câu chuyện dần dần kết thúc cũng là lúc chúng tôi đến một ngôi nhà nhỏ, Đặng mở cửa vào rất tự nhiên và nói to lên một câu gì đó bằng tiếng Việt. Không có ai trả lời, và Đặng giải thích với tôi rằng hầu hết mọi người thường đã đi về nhà của họ để nghỉ ngơi, tránh cái nóng giữa buổi trưa. Chúng tôi đành đi sang ngôi nhà bên cạnh. Bên trong căn phòng lộn xộn với những chiếc bình to, bồn chứa đầy đất sét lỏng và ánh sáng màu đỏ lập lòe của lò than, ánh sáng mặt trời chỉ chiếu qua ô cửa sổ nhỏ.
Người đàn ông bên trong vui vẻ cho chúng tôi thấy các giai đoạn để làm được một bình: Làm thế nào đất sét lỏng tạo thành một hỗn hợp, sau đó đổ vào khuôn, và cuối cùng là sấy khô và nung thành sản phẩm.
Tầng trên, chúng tôi tìm thấy một phòng kho với đủ mọi sản phẩm, từ bình hoa, chân vạc, khuôn mẫu… Chúng có thể vẫn còn mang màu trắng trơn, hoặc đang được những người thợ sơn vẽ theo các thiết kế màu sắc phức tạp: con công, cây cảnh, núi non hiểm trở và những đám mây. Một số sản phẩm được vẽ xong và đang chờ được cho vào lò nung, chúng sẽ được nung trong lò suốt 3 ngày trước khi được hoàn thành.
Trong tấm ảnh này là một cô gái còn rất trẻ, ngồi trên một chiếc ghế và vẽ chiếc bình cao gần 2 mét. Tôi đã say mê đứng ngắm cô múa cây cọ của mình thật điệu nghệ. Trên mặt bình trắng dần hiện ra những hoa văn tinh tế và thanh lịch. Tôi rất muốn hỏi cô nhiều thứ nhưng e ngại sẽ làm ảnh hưởng đến công việc của cô. Đặng lặng lẽ nói điều gì đó với cô ấy bằng tiếng Việt. Vẫn tiếp tục công việc của mình, cô gật đầu và không rời mắt khỏi cây cọ trong khi trả lời tôi.
Cô kể rằng mình đã học vẽ tại một trường đại học ở Hà Nội, và quyết định gắn bó với nghề làm sơn mài gốm sứ. Tôi hỏi làm thế nào cô ấy biết những gì cần để vẽ. Rất nhiều họa sĩ sử dụng các mẫu như nhau, cô trả lời, nhưng sau nhiều năm vẽ, cô có thể nghĩ ra một vài ý tưởng, và chỉ cho tôi xem các mẫu và họa tiết mà cô ấy đã vẽ.
Với một chiếc bình có kích thước gần 2 mét, cô sẽ mất khá nhiều thời gian để hoàn thành. Chúng tôi cùng nhau xem quá trình cô làm việc, từ lúc một nhánh cây được hình thành cho đến khi ra hoa. Thời gian có lẽ không quá nhanh, đủ để tôi cảm giác được ý nghĩa của công việc này.
Nơi lý tưởng nhất để “rinh” về một bộ gốm sứ đẹp và rẻ
Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi qua một căn phòng khác, nơi trưng bày những sản phẩm đã được hoàn thành và để bán. “Bạn nghĩ rằng mỗi chiếc bình này sẽ có giá bao nhiêu?” Đặng hỏi, tôi hầu như không biết bất cứ điều gì về gốm sứ, nhưng từ kích thước và những hoa văn phức tạp của nó, tôi đoán rắng sẽ có giá từ 500 đến 600 đô la. Đặng gật đầu và giải thích cho tôi những chi phí phải có. “Nhưng bạn có thể mua chúng ở Bát Tràng mà không cần phải ra cửa hàng, chỉ với giá dưới 100 đô la mà thôi”, Đặng cười với tôi.
Chúng tôi ghé ngang qua là một xưởng chuyên làm các loại đồ gốm nhỏ hơn. Bên ngoài, rất nhiều những tác phẩm gốm trong hình dạng thô được xếp đầy ngoài sân. Bên trong nhà, ba người phụ nữ đang nói chuyện và vui vẻ làm việc. Có đến hàng ngàn bộ trà, bình, và các con vật được xếp đầy trên kệ. Mọi thứ kín đến mức chỉ vừa đủ chỗ cho tôi và chiếc balo của mình qua lọt.
Bát Tràng cũng là một điểm đến phổ biến trong một tour du lịch khám phá Hà Nội trong một ngày, nhưng có rất ít khách nước ngoài đến đây. Thực tế là chỉ có tôi là người nước ngoài duy nhất ở đó. Hầu hết người dân Hà Nội thường đến Bát Tràng để mua quà tặng, đĩa, bát, hoặc các món đồ trang trí chứ không mua chúng tại các khu chợ trong thành phố.
Tôi cũng đã mang về cho mình một bộ trà công phu và đẹp nhất với giá không quá 20 đô la! Sau đó tiếp tục trả giá cho một bộ tách trà màu xanh kèm với một khay tre – quà cho anh trai tôi và vị hôn thê của anh. Gần cuối ngày, tôi cùng Đặng đi lang thang qua con hẻm chính của làng, giữa bức tường gạch tối và nhỏ, bên những ngôi nhà đóng cửa then cài. Trên bức tường là những khối than đen lớn, Đặng cho biết thay vì lãng phí than sau khi nó đã bị đốt cháy, người dân sử dụng nó để củng cố và sửa chữa nhà và các bức tường trong làng.
Bát Tràng nằm cách Hà Nội khoảng 13 km, bạn có thể đi xe bus hoặc dễ dàng thuê một chiếc xe hơi và một hướng dẫn viên từ một trong những công ty lữ hành tại Hà Nội.