Giỏ hàng

Du lịch xe trâu tại Bát Tràng

Làng gốm - làng du lịch Bát Tràng lâu nay đã được nhiều người dân trong và ngoài nước biết tới bởi các sản phẩm gốm sứ truyền thống tinh xảo và sản phẩm du lịch mới độc đáo.

Làng gốm - làng du lịch Bát Tràng lâu nay đã được nhiều người dân trong và ngoài nước biết tới bởi các sản phẩm gốm sứ truyền thống tinh xảo và sản phẩm du lịch mới độc đáo.

Thế nhưng, những ai đã từng một lần trực tiếp đến nơi này lại không khỏi băn khoăn về khả năng phát triển du lịch, phát triển nghề truyền thống bền vững của Bát Tràng.
Thật không dễ nếu đi thẳng đến Bát Tràng để đăng ký một tour du lịch xe trâu bởi những chuyến du lịch này thường được các công ty bên Hà Nội đặt kín từ trước. Với mức giá khá "mềm", khoảng 150.000 - 200.000 đồng (ngày lễ, ngày nghỉ) cho một chuyến xe trâu dạo quanh Bát Tràng nên tour du lịch đặc biệt này lúc nào cũng đắt khách. Những chiếc xe trâu bằng gỗ tốt, đủ chỗ cho 10-12 người ngồi được thiết kế khá duyên dáng và có mái che. Trâu để kéo xe cũng phải là những chú trâu to, khỏe, được tắm rửa sạch sẽ và thoang thoảng mùi nước hoa.
Nếu so sánh với một vài loại phương tiện du lịch đặc sắc khác như xe ngựa ở Nha Trang, Đà Lạt, xe xích lô ở Hà Nội, Huế; xe lam ở đồng bằng sông Cửu Long... thì xe trâu có nhiều điểm thú vị riêng, đặc biệt đối với du khách nước ngoài. Một du khách Nhật Bản cho biết: "Đi xe trâu rất thong dong, cứ như mình đang thả bộ vậy”. Theo một tour du lịch xe trâu, chúng tôi chỉ phải trả tiền trọn gói một lần và thoải mái vào các xưởng gốm, các nhà cổ, nhà trưng bày, chợ... khi khách muốn dừng lại ở đâu, chủ xe sẽ đứng chờ ở đó, bao lâu cũng được.



Xe trâu - Nét du lịch độc đáo của Bát Tràng.


Tour du lịch Bát Tràng còn có một sản phẩm khác độc đáo không kém, ấy là cho du khách được thử làm thợ gốm. Tùy theo lựa chọn, chúng tôi có thể dừng lại ở bất kỳ một xưởng gốm nào, hoặc không tất cả sẽ cùng vào chợ, sẽ có một không gian riêng.

Theo hướng dẫn của những người thợ, chúng tôi được tự nặn cho mình một chiếc cốc, lọ hay bát, tự tô màu, vẽ hình trang trí... mặc sức sáng tạo thoải mái trên tác phẩm tùy theo sự khéo tay và trí tưởng tượng của mình và cuối tour sẽ được nhận lại sản phẩm "đã ra lò" với dấu ấn riêng và chắc chắn là một kỷ niệm thú vị. Hầu hết các xưởng gốm ở Bát Tràng hiện nay đều cho du khách tập làm gốm tại xưởng với giá cả vô cùng bất ngờ: chỉ phải trả giá bằng đúng giá sản phẩm mình mang về, theo giá bán trên thị trường.
Việc mở ra và ngày càng muốn mở rộng du lịch Bát Tràng không chỉ là mong muốn của riêng người dân nơi đây mà cũng là chủ trương chung của chính quyền. Anh Bình, một thương nhân ở chợ gốm cho biết: "Chúng tôi cũng hy vọng sự phát triển du lịch, một mặt tạo nguồn doanh thu cho những xưởng gốm nhỏ, vốn ít, khó chuyển đổi hình thức sản xuất để theo kịp thị trường; mặt khác nếu du lịch phát triển sẽ buộc làng nghề phải có những thay đổi trong cách giữ gìn môi trường, từ mỗi người dân chứ chỉ có sự thay đổi từ vài hộ thì không có hiệu quả gì lắm".
Nhưng còn một lý do cản trở vấn đề phát triển du lịch bền vững ở làng nghề Bát Tràng là sự ô nhiễm môi trường trầm trọng. Chỉ cần vào tới đầu làng, khách đã bắt đầu cảm thấy khó chịu bởi sự bụi bặm, tiếng ồn và mùi cacbonic từ việc đốt than gây ra; trong những lối ngõ nhỏ là một màu đen của những bức tường trét than, những dòng nước thải, chất thải từ các mẻ gốm nung, vỡ...

Không chỉ thải bụi, trung bình mỗi lò nung gốm bằng than ở Bát Tràng thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cho mỗi mẻ nung. Cùng với đó, phế phẩm, phế liệu đất nung, gốm, sứ vỡ, hỏng chất thành những đống bên đường; mỗi khi mưa xuống, đường lầy lội. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất gốm sứ, những hóa chất dùng để nâng cao chất lượng, bảo quản sản phẩm, để làm chất liệu men, sơn vẽ... đã gây hại trực tiếp cho sức khỏe của người tham gia sản xuất và tác động lâu dài đến cả những người xung quanh.

Rõ ràng, để du lịch Bát Tràng thực sự phát triển và trở thành một đặc trưng văn hóa làng nghề thì người dân nơi đây và các cấp lãnh đạo địa phương còn có rất nhiều việc phải làm!

Facebook Youtube Top