Giỏ hàng

Gốm Việt Nam 4000 năm

Gốm thời hùng vương 2000 năm trước công nguyên Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc phát triển sớm của nhân loại. Lịch sử hơn bốn ngàn năm từ thời vương quốc Văn Lang cổ đại, có nền văn minh đồ đồng Đông Sơn rực rỡ. Mỹ thuật trang trí đồ đồng là đoạn nối tiếp từ nghệ thuật đồ gốm được phát triển song hành phục vụ đời sống người Việt.

Hai ngàn năm trước công nguyên, là thời kỳ người Việt chưa có quan hệ với phương Bắc. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Thời Thành vương nhà Chu (1063 – 1026 TCN) nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu, xưng là Việt Thường thị hiến chim trĩ. Chu Công nói: “Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình”. Rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về” (TT/T1/137). ý nói nước ta là ngoài cõi nên không quan hệ. Cho đến thời kỳ Triệu Vũ Đế thế kỷ II TCN Nam Việt độc lập ngang hàng với nhà Hán và bước đầu có bang giao với Hán.

Gốm sứ Bát Tràng - gom su bat trang

gốm việt cổ

 

 

Thời điểm lịch sử phân định đã rõ, nhưng mọi thư tịch cổ đã bị âm mưu đồng hoá sau này đã huỷ diệt. Thời Hùng vương, Âu Lạc Nam Việt chỉ còn là huyền sử, không còn hiện diện về kiến trúc, các vật thể vật chất để tìm hiểu, so sánh với nhà Hán. Thời Bắc thuộc những di chỉ đào được đồ gốm, thường được nhốt chung ý thức hệ: “đồ Hán hoặc Hán Việt” là không thoả đáng, vì đấy là gốm Việt cổ thế kỷ XX phát hiện văn hoá Đông Sơn thời Hùng vương. Năm 1980 việt cổ, với hơn một ngàn hiện vật, từ ngọc, ngà, vũ khí, áo giáp, trang phục, đồ gốm, đồ sắt, đồ đồng, vải vóc… trên 90% đồ Việt là một bằng chứng lịch sử trung thực để so sánh với đồ Hán ba thế kỷ trước công nguyên. Đồ gốm ở mộ Văn đế hiện diện nhiều hình thức, trang trí mỹ thuật, kỹ thuật cao phục vụ cung đình có phong cách Việt chưa được biết tới. Những đồ gốm Việt cao cấp có phong cách dân tộc truyền thống từ Đông Sơn, ngược lên nối với Phùng Nguyên rất cụ thể về kiểu dáng, hoa văn.

- Phong cách đồ gốm Phùng Nguyên khoảng 2000 năm trước công nguyên ở di chỉ Phùng Nguyên bao gồm một vùng rộng lớn thuộc lưu vực sông Hồng, từ Tràng Kênh Hải Phòng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh với hàng vạn mảnh gốm, hàng trăm di vật gốm có thể gắn chắp được, đã làm rõ phong cách trang trí mỹ thuật. Gốm Phùng Nguyên đã được chế tạo bằng bàn xoay, độ nung cao từ 700 – 800 độ, mầu đỏ nhạt, xám. Gốm có đặc điểm xương mịn. Hoa văn trang trí rất phong phú, đa dạng, văn chải mịn, đường vạch song song, cắt chéo ô trám hay uốn lượn hình sóng nước, kết hợp với các đường chấm dải, cùng với đường hoa văn, khắc vạch, tạo thành đồ hình đối xứng sinh động. Những đặc điểm trang trí này ta có thể thấy rõ nét trong đồ gốm ở mộ Văn đế: các ang gốm mang ký hiệu B111 cao 7,2cm, đường kính 10,5cm; B112; B113 màu xám, màu nâu đỏ vàng. Cùng với các mô típ trang trí hình chữ S, tam giác nhọn, các đường ngang, dọc, đơn hoặc kép đuổi nhau, tạo thành các dải bằng vòng quanh đồ gốm. Những dải băng trang trí quen thuộc này là mỹ thuật Đông Sơn. Nhiều đồ hình trang trí khắc vạch, chấm dải được kết hợp tạo ra những trang trí phức hợp nhưng không bị rối, giữ được cân đối, hài hoà của trang trí gốm Phùng Nguyên.

Các kiểu dáng gốm

- Gốm Phùng Nguyên và Đồng Đậu phát triển mở đầu thời kỳ văn hoá trên đồng bằng sông Hồng Việt cổ; có niên đại C14 ở Đồng Chỗ: 3800 60 năm và Đồng Đậu lớp cuối 3330 100 năm (các nền văn hoá Việt Nam – Hoàng Xuân Chính, NXB Lao động 2005/ trang 196). Các loại nồi vò miệng loe, bong nở, đáy tròn, có loại miệng thẳng dầy, hoa văn thừng trên miệng, chân đế cao của Phùng Nguyên. Ta có thể gặp ở mộ Văn đế, ký hiệu G20 (nồi có chân cao 25cm miệng rộng 23cm bụng nở, các ký hiệu C9; C60 (miệng thẳng dầy).

- Gốm Hoa Lộc (Hậu Lộc, Nga Sơn, Thanh Hoá) được phát triển đặc sắc nhiều phong cách, từ khắc vạch, in, ấn lõm, trổ thủng, khắc chìm, đắp nổi, tạo ra các hình trang trí phức tạp như: hình giọt nước, hình chữ S, vẩy cá, vòng tròn chấm, tâm, hình bông hoa, tam giác, chữ S nằm ngang, vạch ngắn kép có chấm hai đầu, cong dấu hỏi, hình con tôm, cánh nhạn, răng sói, vặn thong, tổ ong, sóng nước. Hình thức đồ vật, kiểu dáng rất phong phú, độc đáo. Nhiều nhất là đồ đun nấu, nồi bát, bình chậu, âu. Những kiểu đó miệng khum vào vai, có 4 núm nhọn, có loại vung khum cao. Phát hiện con lăn và dấu bằng gốm, các loại hình, trang trí đều tìm thấy ở đồ gốm mộ Văn đế.

- Gốm Thiệu Dương độ nung cao, mầu xám, hoa văn trang trí văn chảo, hình xoáy ốc, sóng nước, hình số 8, bện thừng. Gốm Rú Trăn (Nam Đàn, Nghệ An). Phát hiện năm 1975: nồi vò, bình, bát, bình gốm miệng loe, lọ cao cổ ngắn… hình thức hoa văn như đã trình bầy kể ở trên: khắc vạch, văn thừng, chấm dải, răng sói… Tất cả những phong cách, đồ hình trang trí này đều đã xuất hiện trong đồ gốm của mộ Triệu Văn Đế, nhưng được làm tinh mỹ hơn, chau chuốt hơn. Đặc biệt là các đồ gốm này hoàn toàn còn nguyên vẹn với giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao. Sách du lịch khám phá Trung Quốc viết: “Thời xưa đây là vùng đất Nam Việt, gọi tắt là Việt… là một thành phố lịch sử văn hoá nổi tiếng 2000 năm ở Trung Quốc, một trong những cái nôi của văn hoá Việt cổ” (trang 253 bản dịch NXB Văn hoá Thông tin 2007). Trong một âu cao chân đốt trầm bằng gốm của mộ, hoa văn hình học, nắp thành cao hơi vồng cong được trổ thủng, các tia vòng tam giác (tia sao), mang ký hiệu E28 mầu gốm hoàng thổ cao 10,3cm, thắt giữa, phần miệng rộng 12,5cm, nắp núm hình uyên ương rất đẹp. Đây là một âu đốt trầm, phủ một lớp đất mịn, hoa văn chấm dải, kết đường vạch màu cam, màu xám, chế tác cầu kỳ; ta có thể so sánh đồ gốm trong mộ với một nồi gốm chất liệu tương tự về chế tác, mầu sắc tìm được ở Thanh Hóa thời Đông Sơn, (là đồ hiện còn lưu giữ của tác giả viết bài này). Một thạp gốm ký hiệu C88 cao 23,5cm, miệng khum đường kính 1cm thân 19cm, có hai vấu dọc luồn dây qua để xách. Trang trí hình học và các dải băng uốn lượn hình số 8, mầu da lươn vàng đồng, mang đặc điểm phong cách Đông Sơn. Những đồ gốm trong mộ có vẽ màu xanh đen trên ang hình trang trí dấu hỏi (ký hiệu B86 cao 3,4cm đường kính 8,4cm. Một bình gốm cao 53cm, vại bình chỗ phình ra rộng nhất 46,5cm, cổ ngắn thắt lại, miệng cong loe 23,5cm là loại gốm lớn đựng thực phẩm. Hầu hết các loại đồ đựng thực phẩm trong mộ Việt Văn đế là đồ đồng, đồ gốm, sành sứ với số lượng lớn 30 đồ đựng, chứa các loại thịt gia cầm, gia súc: bò, heo, sơn dương, các loại thuỷ hải sản: sò hến, tôm, cá mè, cá chép, thịt rừng: sơn dương, chân rùa. Đặc biệt trong ba hũ sành nắp đậy chứa khoảng 200 con chim sẻ lúa đã được chặt đầu, chặt chân. Những đồ gốm nồi niêu dưới đáy còn dấu vết tro than, chứng tỏ đã được dùng trong sinh hoạt khi nhà vua còn sống, nay được chôn theo. Những đồ gốm trong ngôi mộ vua Triệu Muội là một bằng chứng cụ thể tồn tại khởi đầu, quãng thời gian phát triển gốm sứ Việt Nam trong lịch sử. Dòng gốm người Việt truyền thống từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Hoa Lộc, Thiệu Dương…

Đông Sơn là dòng chảy liên tục đến đỉnh cao, được dùng trong cung đình Nam Việt. Từ những di chỉ đồ gốm nhiều nơI, đã phát triển, quy tụ đến phục vụ quý tộc cung đình. Sự phát triển từ thấp lên cao với các hoa văn, họa tiết trang trí phong phú truyền thống của đồ gốm Việt, được bảo tồn trong lăng mộ vua Nam Việt từ hơn hai ngàn năm trước là một điều hy hữu, kỳ diệu còn lại. Những đồ gốm phong phú này về trang trí, mỹ thuật, được phát triển kế tiếp phong cách từ Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt. Một bình gốm có dáng hình quả bầu cao 17cm miệng nhỏ 3,5cm, cổ cao, đáy 11cm, có thể là khởi thuỷ của bình tì bà sau này. Chiếc bình gốm 5 dải băng lớn hình sóng lượn đan chéo nhau, những dải chấm vạch hình học đối xứng, xen giữa là đường vạch đều nhau, chạy vòng quanh bình rất tinh mỹ. Cổ bình cao, miệng khum, vai bình có hai vấu có vạch nổi, chân vấu là một hình cong nửa chữ X bám vào vai bình hai bên vấu. Bình gốm được trang trí cầu kỳ gốm mầu vàng rất đậm cho thấy độ nung cao (ký hiệu B47), có thể đây là bình đựng rượu. Nam Việt trải qua 5 đời vua kéo dài một thế kỷ. Lợi dụng lúc Nam Việt suy yếu, cuối thế kỷ thứ hai trước công nguyên, nước ta bị Tây Hán xâm lược. Theo Cổ lôi Bách Việt tộc phả truyền thư: “Em thứ của Hùng vương là Hùng Dực Công lấy Trần Thị Quý sinh ra Nguyễn Thận. Trần Thị Quý mất sớm, Hùng Dực Công tục huyền lấy Nguyễn Thị Sinh làm thứ thất. Thị Sinh là người xấu đuổi mẹ bà Quý và Nguyễn Thận. Vì thế Nguyễn Thận sống ở một khúc sông mò ốc, bắt cá nuôi bà ngoại bị khiếm thị, chỉ chơi với Chử Đồng Tử… Nguyễn Thận sau này làm con nuôi thái giám Triệu Cao nên đổi lên là Triệu Đà, được Tần Thủy Hoàng phong Đô úy”. Khi Triệu Đà xưng đế chống lại nhà Hán, mọi triều nghi, phong cách đều theo lối Việt, đồ dùng sinh hoạt đều là văn hóa thời Đông Sơn. Đến Triệu Văn Đế, đời vua thứ hai ở ngôi 12 năm vẫn phát triển, sinh hoạt, trang phục, áo giáp, vũ khí, đồ đồng, đồ gốm hoàn toàn Việt. Chúng ta có thể suy nghĩ Nam Việt đế là thời kỳ văn hóa Hậu Hùng Vương trước khi bị Tây Hán xâm lược. “Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nhiều thành trì ở Lưỡng Quảng nổi lên hưởng ứng… ông Trần Đại Sỹ đã kiểm kê được hơn 200 đền thờ Bà… Lưỡng Quảng là đất Văn Lang, gần 100 năm gắn bó trong Nam Việt đã tạo nơi dân Việt một tinh thần quốc gia bền vững! (Tìm cội nguồn qua di truyền học- NXB Văn học 5/2011. Hà Văn Thùy).

Trong mộ Triệu Văn đế từ đồ đồng, gốm, vàng ngọc, vũ khí, giáp trụ văn hóa Đông Sơn việt thời Hùng vương, đặc biệt là đồ đồng, đồ gốm, diện mạo mỹ thuật văn hóa Việt nổi lên rất rõ, phong cách hoa văn tách biệt với Tần Hán. Đồ gốm Việt phát triển liên tục qua các thời kỳ từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Hoa Lộc, Thiệu Dương, Đông Sơn… đỉnh cao được phát hiện trong lăng mộ Văn đế sau 21 thế kỷ là một bằng chứng lịch sử đầy đủ. Những đồ gốm tìm được sau công nguyên, dùng thuật ngữ đồ Hán sẽ là không thích hợp, vì đồ gốm là được sản xuất từ con người, đất đá đều là bản địa Việt. Giai đoạn lịch sử Nam Việt với Tây Hán là mở đầu cho sự tiếp biến văn hóa bắc, nam về trang trí, hoa văn mỹ thuật, làm phong phú bản sắc Việt.

 

Gốm Việt phát triển 2000 năm sau công nguyên.

- Gốm Việt thời kỳ bị xâm lược.

10 thế kỷ xâm lược Việt, người Hán thi hành chính sách đồng hóa người Việt, đốt bỏ thư tịch, hủy loại, thủ tiêu đồ đồng như trống đồng, thạp đồng. Mã Viện đã tịch thu hầu hết trống đồng để đúc thành hai con ngựa chiến mang về Trường An. Người Việt chôn giấu đồ đồng, trống đồng trong lòng đất Việt. Đồ gốm vẫn phát triển, nhưng là đồ dân dã, đời sống sinh hoạt bình dân.

Trong 10 thế kỷ Việt Nam trở thành một quận huyện bị hạn chế phát triển. Những người giỏi, thợ thủ công giỏi đều bị đưa đi Trường An để cống nạp; gốm Việt không còn những đồ gốm cao cấp, tinh mỹ như ta đã thấy đồ gốm trong mộ Triệu Muội. Trong 10 thế kỷ người Việt bị mất nước đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, nhưng không được bền lâu và đều bị tiêu diệt. Trong cuốn Việt tuyệt thư viết: “ở nhà vòm, trên bờ lau. Giỏi bơi lội, ở trên cạn mà đi dưới nước. Lấy thuyền làm ngựa, lấy bơi chèo làm roi. Họ thờ giao long làm thần. Họ biết đóng gạch và xây nhà nhưng chỉ xây lăng mộ mà không xây nhà. Họ tôn thờ người chết. Thân ái người sống. Họ giỏi kiếm sống nên có thể di chuyển, biến mất lúc nào tuỳ thích. Họ đến thì như gió thoảng mà đi thì không thể đuổi theo được”. “Người Hán rất ngại đụng độ với họ vì sẽ gặp phải sự chống trả quyết liệt” (Nghiên cứu Việt Nam trước công nguyên, NXB Thanh niên 2001).

Những đồ gốm từ sau công nguyên vùng sông Mã màu hồng nhạt hoặc trắng mốc ở sông Hồng vẫn phát triển còn đến nay, có nguồn gốc từ các ngôi mộ của người Việt. Từ các mộ thân cây khoét rỗng, đến các mộ gạch xếp có niên đại từ thời Đông Hán thế kỷ 1 – 3, Lục Triều - Đường thế kỷ 6 đến 9 là các loại gạch hình chữ nhật, hình múi bưởi có hoa văn Đông Sơn: vòng tròn đồng tâm, chữ S nằm ngang đuổi nhau, ô trám lồng, hình thoi. Hoa văn nổi ở phần rìa cạnh, trên một vùng rộng lớn từ Lĩnh Nam (Lưỡng Quảng) và từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Nhiều loại hình đồ gốm như: âu, bát, bình, ấm, chậu, chân đèn, chén hai tai (nhữ bôi), cốc đốt trầm, nồi, đĩa chân đèn... Gốm thời kỳ này nhỏ, có men mỏng, không phủ hết, mầu men vàng nhạt, trắng ngà hoặc xám nhạt. Hoa văn trang trí đơn giản, vẫn phảng phất trang trí Đông Sơn như chữ S, hình thoi, phên đan, chim nước, cá, vòng tròn tiếp tuyến kiểu trống đồng. Gốm nước ta thời kỳ này còn hiện diện là trong các mộ của quan lại, quý tộc việt hán. Những phong cách Đông Sơn vẫn duy trì một số kiểu dáng Việt như ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. ấm mầu hồng nhạt, vai rộng bụng phình, trên vai gắn đôi núm dọc, thân hoa văn trang trí vành hoa chấm răng lược và văn chải dọc. Một chiếc ấm khác đáy có 3 chân thấp, không có trang trí, không phủ men, trên vai gắn đôi đầu trâu. Đây là hai kiểu ấm đẹp, một đôi bình tứ giác vuông, cổ thắt eo, miệng loe cao, bụng thon đều, chân đế choãi, vai bình gắn đôi núm đẹp. Những kiểu dáng của đôi ấm, đôi bình gốm thô này có phong cách rất đẹp, tương tự gốm trong lăng Triệu Muội kể cả về kiểu dáng và hoa văn.

 

Một vài suy nghĩ về thuật ngữ gốm Việt - Hán

Trong những di chỉ khảo thế kỷ XX nước ta phát hiện ngày càng nhiều khu lò gốm ở Hà Nội (Cổ Loa), Luy Lâu, Đại Lai (Bắc Ninh, Đồng Đậu, Lũng Hoà (Vĩnh Phúc), Tam Thọ (Thanh Hoá). Nhưng trước đó, chúgn ta chưa biết gồm Việt cổ vùng Lĩnh Nam (Lưỡng Quảng), chưa phát hiện số đồ gốm trong mộ Nam Việt đế thế kỷ II TCN, ở một trình độ cao, hiện vật nguyên vẹn. Nếu đem so sánh những gốm phát hiện ra thời Bắc thuộc sẽ là tiếp nối trên dòng gốm Việt về kiểu dáng, hoa văn. Một chiếc bình gốm đẹp, thô mịn màu hồng. Trên thân và cán trang trí vặn thừng song song hoặc cắt nhau với vành vòng tròn hoa văn Đông Sơn, bình được tạo dáng đầu voi, vòi uốn cong vươn lên cao. Kiểu dáng loại bình ấm này vòi voi như vòi rót hình đầu gà, thực chất là của Việt cổ. Những kỹ thuật tiến bộ ở vài thế kỷ sau, mở rộng các hình thức trang trí, kiểu dáng có tiếp biến văn hoá, là điều lô gích trong quá trình lịch sử. Chất liệu đất sét trắng được sàng lọc kỹ. Kỹ thuật tráng men được xuất hiện, với các vật liệu, con người bản địa, mỹ thuật truyền thống, vậy chỉ nên gọi là gốm Việt thời Bắc thuộc.

Gốm Việt thời Bắc thuộc trải qua thời Đông Hán, Lục Triều, Tuỳ Đường được tập trung ở thành Liên Lâu nơi trị sở Quận Giao Chỉ trong 7 thế kỷ sau đó chuyển đến thành Đại La thế kỷ VII, VIII, IV.

 

Gốm Việt Nam thời độc lập

Gốm Việt Nam chỉ phát triển mạnh mẽ, đa dạng và vô cùng phong phú ở thời kỳ độc lập, kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) nơi ở của cư dân Việt cổ Mán Bạc (Ninh Bình). Khảo cổ học đã tìm được ngôi mộ với bộ xương còn nguyên vẹn, niên đại ước tính khoảng 3500 cách ngày nay (tính đến năm 1999).

Kinh thành Hoa Lư trải rộng khoảng 300 ha. Theo Việt sử lược, sau chiến thắng phá Tống bình Chiêm “năm Giáp thân 984 xây điện Bát bảo thiên tuế ở núi Hoả vân cột bọc vàng, xây điện Phong Lưu, điện Bồng Lai, điện Cực Lạc, lầu Hoả Vân, điện Trường Xuân. Bên cạnh đó là điện Long Lộc lợp ngói bạc”. Tại Hoa Lư các nghề thủ công kim hoàn, đồ da, đặc biệt là đồ gốm có một bước phát triển lớn. Năm 1978 phát hiện nhiều khu vực kiến trúc, sàn nền gốm gạch hoa sen, hoa phượng kích thước lớn, nhiều mảnh ngói ống, loại gạch gốm kích thước lớn 74cm x 47cm nổi hoa sen tám cánh, ngói mũi sen, phù điêu đầu thú.v.v... kiến trúc xây dựng đã phát triển tới 9 nền móng cung điện ở độ sâu 1,15m. Dấu vết một kiến trúc đổ nát, mảnh gốm, ngói vỡ ken dầy tới 40cm, có dấu vết tường gạch, lò gốm rộng hàng trăm mét vuông. Gốm men trắng chau chuốt, gốm men ngọc đã phát hiện ở Hoa Lư. Từ kinh đô Hoa Lư, gốm có một vai trò lớn, khởi đầu cho một nền tảng mỹ thuật gốm Việt. Gốm xuất hiện từ gạch xây thành (Đại Việt quốc quân thành chuyên, gốm xây dựng cung điện, trang trí gạch hoa, ngói, các tượng uyên ương, sư tử, ngói, ống, mô hình tháp... đã hình thành các dòng gốm ở thời Lý Trần. Nhiều hình thức gốm ở Hoa Lư đã được phát hiện ở kinh đô Thăng Long thời Lý Trần, từ trang trí cung điện đến gạch hoa lát nền.

 

Gốm Việt từ thế kỷ X đến XIV thời Lý Trần

Khi Lý Công Uẩn chuyển kinh đô về Đại La, đổi tên là thành Thăng Long. Nơi đây trở thành trung tâm đô hội bốn phương. Kinh thành được kiến tạo, mở rộng đại quy mô. Hàng trăm cung điện, đền chùa, lầu các, dinh thự lộng lẫy, có sự đóng góp của gốm vô cùng phong phú, về các thể loại trang trí, đồ dùng gốm màu. Đồ gốm cao cấp dùng trong cung đình, như thời Văn đế ở mức độ cao. Gốm rất phát triển vì phục vụ từ tầng lớp quý tộc đến dân gian, hình thành nhiều dòng gốm men phong phú, trang trí hoa văn, mỹ thuật cao như: gốm men trắng ngà, gốm men ngọc, gốm xanh lục, gốm hoa nâu, gốm men nâu, đặc biệt cuối thế kỷ XIV, xuất hiện gốm men hoa lam.

- Gốm men trắng ngà được dùng phổ biến ở ấm bát, bình chén, đĩa hũ, liễn, dùng trong trang trí, gách tháp men trắng khắc nổi hình vũ nữ. Men trắng thời Lý óng mượt, trắng mịn.

- Gốm men ngọc xuất hiện như là một dấu ấn đặc biệt thời Lý. Men ngọc trong, bóng, xương gốm mịn, nhiều hoạ tiết chìm nổi (án hoạ) được phủ men ngọc dầy, tạo nên nhiều sắc độ long lanh. Tạo dáng nhiều là hoa sen, cánh sen, đĩa hình lá sen, bình các loại quả bí, quả dưa, quả bầu, quả bưởi... vòi ấm, bình rất phong phú; hình đầu rồng, chim vẹt, có loại ấm hình tỳ bà (củ hành). Gốm thời Lý mang đậm dấu ấn Phật giáo, với đề tài hoa sen thấy ở nhiều loại hình gốm sang tới thời Trần. Những đồ gốm phát hiện ở Hoàng Thành đã hiện diện đầy đủ nhất.

- Gốm men xanh lục thẫm tìm thấy ở Hoàng Thành, điển hình là nắp hộp A9MR tròn đường kính 18,5cm có hình thức trang trí đặc sắc, mĩ lệ. Trang trí một hình rồng lớn, uốn lượn từ to đến nhỏ vút dần 18 khúc (kiểu thắt túi), phụ hoạ là các dải mây, hai đường tròn tiếp tuyến bao quanh, vòng ngoài là trang trí nổi hình sóng nở hoa đuổi nhau trang trí đường diềm, làm nổi bật rồng vờn ngọc ở giữa tâm. Đường tiếp tuyến ký phía ngoài là những chấm tròn nổi làm cho bố cục trang trí nắp hộp rất khéo léo, hài hoà. Men xanh lục phủ lên hình khối trang trí ở độ nông khác nhau theo đậm nhạt sắc men ánh lên sinh động, quyến rũ. Dòng men xanh lục được biến hoá đậm nhạt, màu ngả vàng hoặc biếc xanh như ngọc rất độc đáo.

- Gốm men hoa nâu, dòng gốm này phổ biến ở thời Trần có loại như men nâu vàng hoa văn trắng, hoặc nền men ngà hoa văn nâu; có loại men nâu, khắc hoa văn chìm để mộc. Những sản phẩm gốm thời Trần đa dạng, phong phú và nhiều loại thống, thạp to hơn thời Lý. Thạp hoa trắng nền nâu hoặc ngược lại. Vẫn các đề tài hoa sen, sóng nước, cánh hoa to với chim mỏ dài, chân cao, hình võ sỹ đấu khiên, hình voi. Các loại tạo hình đầu tượng gốm hình vũ nữ, tượng đầu phật, các phù điêu nổi trên gạch men... Gốm men hoa nâu phát triển đặc biệt ở thời Trần với bố cục hoa văn, chim to, được cách điệu hình đơn giản, mộc mạc, hơi thô, hình khối khoẻ, bố cục đa dạng đẹp.

- Dòng gốm men lam. Men hoa lam đã phát hiện sớm vào cuối thời Trần. Khảo cổ học đã tìm được ở Hoàng Thành, trong các hố khai quật bát đĩa vẽ cành hoa cúc màu nâu gỉ sắt và xanh lam cô ban. Thời điểm này gốm men hoa lam đã xuất hiện ở thời Nguyên. Gốm mỹ thuật trong kiến trúc đã xuất hiện nhiều trong trong trí gạch ngói, phát triển từ thời Đinh, Lê, diềm mái, đầu đao, gạch hoa lát nền, xây tháp có trang trí sóng nước, hình hổ, rồng, phượng, tượng phù điêu, tượng người trên ngói bò, tượng chim thần...

 

Gốm thời Lê Sơ - Mạc – Lê Trịnh thế kỷ XV, XVIII

Sau khi giành lại độc lập từ xâm lược Minh, nhà nước phong kiến tập quyền với tầng lớp nho giáo phát triển, chủ soái văn đàn là Lê Thánh Tông. Dòng gốm hoa lam đã có tiến bộ vượt bậc. Gốm hoa lam có xương gốm được làm tôn mầu lam cô ban, với cách vẽ bút linh hoạt của mỹ thuật. Nét vẽ phóng khoáng theo cảm xúc, tạo ra độ dày, mỏng đậm nhạt của màu men sinh động, mềm mại, tự nhiên quyến rũ. Các mẫu vẽ trang trí vẫn là hoa cúc, hoa sen, qua những nét vẽ dài, uốn lượn xoăn lá, hoặc buông lơi tạo ra mềm mại như hoa cúc dây, hoặc sen với sóng nước. Các hình vẽ chim cá được vẽ theo tự do cảm hứng, nên mềm mại bay bướm.

- Dòng gốm men lam trở thành đặc sắc ở thời Lê Sơ, với bình hoa lam nổi tiếng ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) của gốm Chu Đậu, Hải Dương. Gốm hoa lam đã xuất khẩu nhiều nơi như đảo Sumatra thời kỳ của vương quốc Majapahit (1292-1500) đi Nhật Bản tìm thấy ở nhiều nơi.

- Dòng men nhiều màu (tam thái, ngũ thái) vẽ trên đĩa, bình, lọ, hoa văn phong phú; các hoạ tiết hoa cúc, hoa sen, phù dung vẽ chính diện, nhìn nghiêng, cúc dây hình sin, khóm cỏ, rong rêu, sen lẫn hoa lá là hình lá đề, các lớp sóng, vảy cá, chim, cò, cá rồng, phượng, ngựa bay, chim vẹt, hình sư tử, giải trãi... được phối hợp với các đường viền trang trí trên những đĩa, bình lớn.

Gốm Mạc gốm thời Mạc vẫn tiếp tục phát triển và có một loại hình mỹ thuật gốm mới là chân đèn, lư hương. Mỹ thuật chân đèn, lư hương là loại hình gốm mỹ thuật đặc sắc về tạo hình, men mầu còn để lại nhiều tên tuổi nghệ nhân giỏi như Đặng Huyền Thông ở Nam Sách (gốm Chu Đậu), Nguyễn Phong Lai, Hoàng Ngưu ở Bát Tràng, Hà Nội. Phong cách chân đèn gốm đã tổng hợp hoa văn nổi, khắc chìm và vẽ bút lông tạo ra một nghệ thuật tận dụng hết được ưu điểm của gốm trong chân đèn. Lư hương cũng là loại hình được kết hợp như vậy, tạo hình phong phú hình ống trụ có ba chân thú.

Gốm thời Lê Trịnh 1533 – 1789

Sau khi cuộc chiến tranh nam bắc triểu kết thúc, nhà Mạc sụp đổ. Đất nước phát triển sang một giai đoạn hưng thịnh mới, phát triển mọi mặt, nhiều đồ gốm xuất cảng đi Nhật, Đông Nam á, châu Âu, nổi tiếng với tên Vương quốc Đàng Ngoài (Tonqin) nhiều loại đồ gốm phát triển chân đèn, lư hương, hoạ tiết nổi chìm phong phú hơn. Nhiều loại men kết hợp trong một sản phẩm trên nền men trắng như: xanh lơ, vàng, xanh rêu, xanh đen trên hình tượng nghê rất mỹ thuật và tạo hình phức tạp. Bắt đầu xuất hiện loại men rạn do Đỗ Phủ chế tạo niên hiệu Hoằng Định (1600 – 1618) hiện lưu giữ tại bảo tàng lịch sử Việt Nam. Cặp bình hình lục giác men rạn có khắc niên hiệu Cảnh Trị (1663 – 1671). Gốm thời Lê Trịnh còn sản xuất nhiều loại chậu lớn, đỉnh, mô hình nhà tháp men nhiều màu. Các loại long đình, linh thú đội chân đèn trụ vuông, nở ra nhiều tầng phía trên. Các loại lư hương hình bông sen, lá sen cúp lại, miệng loe uốn cong xuống tạo hốc bao quanh có tượng nổi Phật bà quan âm, men ngà rạn. Nhiều loại đỉnh cao 0,60cm, lọ lục giác cao 70cm men ngà rạn, hoạ tiết nổi chìm rất phong phú, lộng lẫy. Gốm thời Lê Trịnh từ thế kỷ XVII được phát triển mạnh trong dân gian, nhiều làng gốm trở nên giàu có thịnh đạt như Thổ Hà, Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng, Hiểu Lễ. Trang trí, họa tiết khái quát, nét vẽ phóng khoáng không tỉa tót, lối vẽ hoa lam mảng lớn, nét to theo cảm xúc của nghệ nhân. Đề tài vô cùng phong phú, phong cách việt rõ nét điển hình trong trang trí trên gốm như các loại hoa sen, cúc, phù dung, các loại chim bay, chim đậu, chim chích chòe, vẹt, ngựa bay có cánh, sen vịt, tre trúc, sóng nước kết hợp với mây tản, mây núi, rồng phượng, chuồn chuồn... Công ty Đông ấn, Hà Lan thường xuyên vận chuyển đồ sứ qua Gia-các-ta, ấn Độ, châu Âu, Nhật Bản. Theo nhà nghiên cứu đồ gốm Nhật Bản, ông Aoyagi Yoji tại các nước Malaisia, Brunei, Philippin, Indonesia để tìm thấy 32 địa điểm có gốm Việt Nam, chưa kể đến các địa điểm tại Ai Cập, Trung Cận Đông và châu Âu. Tại Dazaifu (Nhật Bản) người ta đã đào được mảnh gỗ ghi năm 1330 cùng với đồ gốm hoa lan Việt Nam có trang trí hoa cúc. Người Nhật cho rằng gốm hoa lan Việt Nam đã bán ra nước ngoài từ đầu thế kỷ XIV (Aoya Yoji 1980: 3- dẫn theo Hà Văn Tấn khảo cổ học VN/T3/2002).

Tại Nhật Bản có nhiều địa điểm phát hiện gốm Việt như Kyoto, Osaka, Sakai, Hakata... Tại Nhật hiện còn tồn tại một dòng họ đã 10 đời làm nhái gốm uống chè của Việt Nam thời Lê Trịnh. Gạch men hoa lam được Indonexia xây dựng nhà thờ ở Troulan, Damak, tháp Rudus. Thế kỷ XVII, XVIII một số lợi hình gốm đắp nổi Bát Tràng men rạn, gốm đắp nổi phủ nhiều màu ở lư hương, chân đèn, tượng voi, ngựa, hổ, kỳ lân, đặc biệt là tượng Phật, tượng Kim Cương đã tạo nên diện mạo gốm đất nung về tạo hình mỹ thuật đa dạng, mang một diện mạo mỹ thuật gốm sứ mới về phong cách Việt Nam. Tại bảo tàng ở Gia-các-ta (Indonesia) còn lưu giữ một khay uống chè bằng gốm màu men nhiều màu. Bộ đồ uống chè rất đặc biệt này dáng kiểu trống đồng nhưng hình lục giác, thắt giữa, đáy loe ra, nền men trắng vẽ hoa lam, các cạnh hình học men vàng, làm diềm trang trí cột xương gốm nổi, chìm. Phần trên nắp đậy thành một khay đựng nước uống chè, lọ đựng chè, màu men da lươn, vàng và men lam, hình thức tạo dáng, mầu men phong cách rất độc đáo và đẹp sang trọng. Gốm men Việt Nam từ thế kỷ XIV đến XVIII còn được biết nhiều đến trong các cuộc phát hiện trong nhiều tầu đắm ở Philippin, Thái Lan, Cù Lao Chàm và Nhật Bản.

 

Gốm thời Nguyễn thế kỷ XIX - XX thuộc địa Pháp

Cuối thế kỷ XVIII nước ta bước vào giai đoạn biến loạn, suy thoái nghiêm trọng, chiến tranh liên miên, nội chiến, xâm lược Mãn Thanh, giao thương đình đốn, mất mùa. Thủ công nghiệp, các làng sản xuất gốm sa sút, cùng lúc đó sự xâp nhập của đồ gốm Trung Hoa và phương tây vào Việt Nam do triều đình Huế cho nhập khẩu.

Khi tình hình đất nước ổn định, nhà Nguyễn đã phát triển dòng gốm phục vụ cho triều đình, quan lại, dòng gốm dân gian phục hồi và bước đầu lại xuất khẩu ở Bát Tràng.

Gốm cung đình triều Nguyễn mở lò gốm tại Long Thọ (Huế) chủ yếu là gốm trang trí kiến trúc xây lăng tẩm, ngói phục vụ cung điện, gốm kiến trúc cung điện, lăng tẩm thời Nguyễn là bộ mặt của kinh đô Phú Xuân (Huế) còn lại đến nay, đặc biệt là nghệ thuật trang trí ghép các mảnh gốm sứ đất điêu luyện, mỹ thuật đỉnh cao. Các dòng men rạn trắng ngà, men trắng hoa lam vẫn phát triển ở đỉnh cao. Các loại mầu men phát triển phong phú như màu men đá, trắng đục (gốm cậy); xanh xám, da lươn, đỏ sậm (Phù Lãng). Hình thức trang trí đa dạng, mở rộng đề tài, đặc biệt là tứ quý: Long, ly, quy, phượng; hoa lá: lan, cúc, trúc, mai, bướm, tùng hạc…

Nhiều đồ gốm Việt thời Nguyễn đã phát triển có xu hướng phong cách hiện đại. Cuối thế kỷ XIX nước ta lại bị Pháp xâm lược, đồ gốm sứ châu Âu vào Việt Nam, gốm sứ nhà Thanh tràn vào đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của gốm việt thời Nguyễn, gốm Việt Nam sa sút, không còn mạnh mẽ, lùi dần vào đồ gia dụng bình thường.

 

Lời kết

Gốm Việt Nam điểm qua thời gian, phát triển dài trong lịch sử cội nguồn dân tộc: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn là một giai đoạn dài từ sơ khai đến phát triển cao. Văn hóa Mỹ thuật gốm thời Đông Sơn nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương, Âu Lạc, Nam Việt là cầu nối nghệ thuật cho đồ đồng phát triển rực rỡ.

Nhà nước ta trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, vẫn cho tổ chức nghiên cứu đồng bộ, đa dạng, đỉnh cao là trống đồng, thạp đồng. Những đồ gốm cao cấp, đa dạng phong phú về chủng loại, kiểu dáng hoa văn trang trí từ thế kỷ II, III TCN hiện diện, được phát hiện sau 21 thế kỷ, là một ấn tượng lịch sử đồ gốm rực rỡ. Câu chuyện truyền thuyết “Nồi Hầu” của làng gốm Hương Canh, Hà Nội, có nghề làm nồi đất nung từ thời An dương Vương xây thành Cổ Loa là hiện thực. Sách Gốm Việt Nam viết: “Cu nồi lớn lên trong một gia đình làm gốm, lao động khá nặng nhọc và vất vả nên có sức khỏe phi thường, chăm làm ăn lại có chí lớn. ở tuổi thanh niên, trong cuộc thi võ ở kinh đô, được An Dương Vương phong tước Hầu, nhưng vị võ tướng quân xứ Âu Lạc vẫn không thể quên nghề nghiệp đáng kính trọng của bố mẹ và làng quê mình, nên ông vẫn giữ nguyên tên cũ, xin được gọi là “Nồi hầu”. Ông sinh con, cầm quân chiến thắng xâm lược. Ông Nồi hầu cùng vợ và hai con, ngày nay vẫn được dân hai thôn Ngọc Chí và Vĩnh Thanh huyện Đông Anh thờ phụng”. (Trần Khánh Chương/NXB Mỹ thuật 2001). ở Hương Canh còn thờ thần lửa có vị trí quyết định trong nghề làm gốm. Từ câu chuyện truyền thuyết, di sản phi vật thể, đến 21 thế kỷ sau phát hiện ra đồ gốm thời An Dương Vương trong mộ Nam Việt Văn đế, con trai Trọng Thủy (Trọng Thủy là con rể của An Dương Vương) đã hiện rõ mỹ thuật, kỹ thuật đỉnh cao, lịch sử gốm Việt Nam trải qua một bề dày thời gian từ văn hóa Bắc Sơn cách ngày nay gần 10.000 năm. Đồ gốm Phùng Nguyên đã được chế tạo bàn xoay, độ nung cao khoảng 800 độ với nhiều hoa văn kiểu dáng thấy trong mộ Văn đế Triệu Muội và hoa văn đồ đồng Đông Sơn. Phong cách trang trí họa tiết gốm là cầu nối cho mỹ thuật đồ đồng Đông Sơn phát triển, với các mô típ hình học, cây lúa nước, cùng với các mô típ kiến trúc, lễ hội, thuyền bè, chim cá, trong mỹ thuật Đông Sơn thời Hùng Vương 2000 năm TCN. Những đồ gốm trong mộ vua Việt Văn đế thế kỷ III, II TCN, là bằng chứng nối liền với gốm Phùng Nguyên, đã cho ta kháI niệm đồ gốm Việt truyền thống thời Hùng vương tồn tại 2000 năm TCN. Khi nước ta bị xâm lược 10 thế kỷ, các kỹ thuật mỹ thuật đã bị hạn chế, bị đồng hóa, tiêu diệt. Gốm Việt có dịp lại bùng lên mạnh mẽ khi độc lập, trải qua Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, gốm Việt Nam trở thành nổi tiếng trên thế giới. Gốm Việt Nam xuất khẩu có mặt trên nhiều bảo tàng danh tiếng, có nhiều bộ sưu tập đặc biệt như: bình vôi, lọ hoa, tước, chén uống rượu, uống trà, gốm xây dung, trang trí kiến trúc cung điện, chùa tháp như: “xây dung nhà thờ ở Troulan, Demar, tháp Rude” (Hà Văn Tấn). Gốm có mặt ở bảo tàng Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, ấn Độ, Indonesia, Philippin, Mỹ, Ai Cập.

Gốm Việt Nam gắn liền với cuộc sống người Việt như một nhân chứng, phát triển theo dòng lịch sử dân tộc, lúc thịnh, lúc suy. Mỹ thật gốm Việt đã phát triển rực rỡ, đóng góp trong nền văn minh của nhân loại, sự sáng tạo kỹ thuật men nhiều loại độc đáo, có vị trí, phong cách trong ký ức phát triển nghệ thuật gốm sứ của nhân loại với lịch sử gốm bốn ngàn năm.

TRỊNH QUANG VŨ

Facebook Youtube Top