Làng gốm Bát Tràng trong cơn bão giá
Làng gốm Bát Tràng trong cơn bão giá Giá cả leo thang khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Các mặt hàng xăng, dầu, điện, ga... liên tục tăng giá, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân cũng như đầu ra của các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Bằng sự nỗ lực và nhiều hình thức cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, người dân làng nghề Bát Tràng vẫn hi vọng vượt qua được cơn bão giá.
Nhìn các gian hàng giới thiệu sản phẩm gốm sứ Bát Tràng thấy tấp nập người ra vào, ít ai nghĩ rằng nhiều sản phẩm tồn kho. Theo người dân làng nghề cho biết, các sản phẩm thường bán chạy vào dịp cuối năm, tháng Giêng, các tháng còn lại tiêu thụ cầm chừng. Năm 2011, được dự báo là năm khó khăn của làng gốm Bát Tràng. Do sức ép về kinh tế, các mặt hàng đang bị chững lại, nhưng người dân trong làng đều quyết tâm tìm đầu ra, cân đối giá thành, nguyên vật liệu cũng như tiền lương thuê nhân công.
Hoàn thiện một sản phẩm gốm sứ, phải trải qua gần chục công đoạn như tạo hình, tạo khuôn, vẽ mĩ thuật…mỗi khâu thủ công như vậy đều phải có thợ riêng. Tiền thuê công nhân dù mới vào nghề cũng mất 100.000 đồng/ ngày, còn thợ có tay nghề tính theo sản phẩm. Cơn bão giá các mặt hàng lên cao, từ nguyên liệu đến vận chuyển, lương công nhân cũng theo thế mà tăng.
Khu chợ trưng bày gốm sứ Bát Tràng có đến hơn 100 gian hàng nhưng chỉ thấy khách đến mua làm quà lưu niệm, rất ít xe công ten-nơ, xe tải đến mua với số lượng lớn. Bà Trần Thị Nễ, 73 tuổi, làm nghề gốm sứ hàng chục năm nay, chia sẻ: “Giá cả tăng nhanh, sản xuất ra một sản phẩm chi phí tăng gấp nhiều lần so với trước. Để khỏi bị thua lỗ, chúng tôi đành phải tăng giá thành. Nếu như năm 2010 một đôi bình có giá 2 triệu thì nay lên tới 6 triệu”. Nhà bà Nễ có hai xưởng sản xuất, hai gian hàng bày bán sản phẩm. Đồ gốm sứ nhà bà sản xuất hầu hết đều hướng về những sản phẩm truyền thống, hoa văn tinh xảo. Giá trung bình cho một sản phẩm là 8 triệu đến 9 triệu đồng. Khách hàng thường là các đại lí, đình chùa, một số còn xuất khẩu sang Đài Loan, Mỹ, Đức… Thông thường các loại sản phẩm như cốc, ấm chén, lọ hoa… thì lượng tiêu thụ nhiều hơn, bởi giá cả phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.
Các cơ sở sản xuất gốm sứ Bát Tràng phải hứng chịu trực tiếp của việc tăng giá điện, ga, xăng dầu, vận chuyển. Ông Cương chủ một cơ sở sản xuất gốm sứ cho biết: Xưởng của tôi có 40 công nhân, tiền lương và tiền mua nguyên liệu mỗi tháng phải chi không dưới 100 triệu đồng. Sức ép chi phí buộc tôi phải tăng giá thành sản phẩm, cho nghỉ bớt thợ hoặc gọi họ khi cần thiết… Còn ông Nguyễn Quốc An, hoạ sĩ chuyên vẽ hoa văn trên chất liệu gốm sứ cho biết: “Thợ có tay nghề như tôi thu nhập còn khá (trên dưới 10 triệu đồng/ tháng) chứ những người mới vào nghề thì thấp lắm!
Tìm đầu ra cho các sản phẩm ở trong và ngoài nước là mục tiêu chung của các cơ sở, công ty gốm sứ. Ban đầu, do ít kinh nghiệm lại chưa quen với cung cách làm ăn mới và những yêu cầu nghiêm ngặt của đối tác từ chất lượng đến thời hạn giao hàng, nhiều ông chủ trẻ đã phải lao đao vì bị phạt hợp đồng, bị đối tác lừa đảo. Nhiều xưởng phải đóng cửa vì ít vốn, vì không có tiền trả nợ cho ngân hàng. Những nghệ nhân cao tuổi cắt cử nhau đến động viên, hướng dẫn cho lớp thợ trẻ bí quyết để đồ gốm đạt chất lượng. Các cụ cao tuổi trong làng đã hiến kế, hiến công với lãnh đạo xã, đề nghị chính quyền tạo điều kiện cấp đất mở xưởng, quan hệ với ngân hàng để có thể vay vốn mở rộng sản xuất. Nhiều cụ đã tình nguyện trở thành giáo viên mở lớp dạy nghề hâm nóng bầu nhiệt huyết của lớp thanh niên trong làng, giúp họ biết yêu và trân trọng nghề truyền thống.
Bát Tràng hôm nay đã có rất nhiều ngôi biệt thực, những đơn đặt hàng trị giá hàng tỉ đồng. Gốm Bát Tràng vượt thời gian, không gian có mặt trên mọi quốc gia. Làng gốm Bát Tràng trở thành một trong những địa chỉ đỏ của ngành du lịch Việt Nam. Có ngày làng đón hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến thăm, mua bán. Chị Thu Thuỷ, một khách hàng cho biết: “ Tuy giá cả tăng, mọi người đều thắt chặt chi tiêu nhưng những mặt hàng thiết yếu như bát, ấm chén… thì vẫn cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt đồ gốm Bát Tràng đã đạt đến độ tinh xảo. thuần khiết. Ăn bát cơm, uống chén nước… được làm từ chất liệu gốm Bát Tràng, tôi như cảm nhận được hương đất, tình người hoà quyện”.