Giỏ hàng

Lời căn dặn của Bác khi về thăm làng Gốm Bát Tràng

 Thương hiệu “gốm Bát Tràng” đã trở nên quen thuộc với cả nước. Nhưng có lẽ ít ai biết, sự phát triển của làng gốm Bát Tràng trù phú hôm nay luôn có bóng hình vị cha già kính yêu của dân tộc.

Năm 1959, trong lần về thăm Bát Tràng, Bác đã căn dặn: Bát Tràng phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 50 năm đã qua, những dặn dò của Bác vẫn được nhân dân Bát Tràng ghi nhớ, làm theo.

 

bac ho ve bat trang


Hồi ức về Bác Hồ
    Tháng 8-1958, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định đào sông Bắc Hưng Hải nhằm phục vụ tưới tiêu cho 3 tỉnh đồng bằng Bắc bộ (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương). Để phục vụ cho việc đào sông Bắc Hưng Hải, phải di chuyển một nửa thôn Bát Tràng ra chỗ đất mới. Trong đó có hơn 200 ngôi nhà cổ, một ngôi chùa, các lò nung gốm, các cơ sở sản xuất... Khi nhân dân Bát Tràng đang di chuyển và khởi công xây dựng khu làng mới, Bác đã có chuyến thị sát không chính thức trong vai một ông lão hỏi thăm tình hình qua người dân. Bác được biết tiến độ xây dựng chậm do chưa có vôi của nhà nước chuyển về. Ngay sau đó, người dân Bát Tràng đã đón nhận hàng trăm tấn vôi mang nặng ân tình của Bác.

   Chúng tôi đã về thăm gia đình ông Phạm Huy Thanh (Trưởng tiểu ban quản lý di tích, xóm 3, làng Bát Tràng). Gia đình ông là một trong những gia đình vinh dự được Bác Hồ đến thăm. Mặc dù khi ấy ông mới là cậu bé 14 tuổi, nhưng hồi ức về ngày được đón Bác về thăm vẫn còn in đậm trong tâm trí.

   Điều làm ông Thanh cũng như dân làng xúc động nhất là sự “gần dân và hiểu dân” của Bác. Đến nhà cụ Tự, Bác vui vẻ nhắc gia đình đảo lại đôi câu đối cho thuận vế. Đến nhà cụ Để, Bác nhắc mọi người chăn nuôi nhưng phải hết sức giữ vệ sinh. Đến nhà cụ lang Xương, Bác nói vui: cụ ế hàng là mừng vì nhân dân mạnh khỏe, ít đến nhờ cụ chẩn bệnh thuốc thang. Đến nhà cụ Phạm Huy Giáp, bác khen nhà ngăn nắp, gọn gàng, nhưng cũng nhắc nhở: nhà có 5 trẻ là đông quá...

   Đặc biệt, khi nói chuyện với dân làng, Bác căn dặn: Bát Tràng là một làng nghề phát triển. Các cô chú phải xây dựng đường sá rộng rãi để xe chở nguyên liệu về làng và chở hàng hóa đi, làng phải có giao thông thuận lợi. Bác căn dặn “Làng Bát tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam XHCN”. Khi đó, đường làng Bát Tràng đang được làm với chiều rộng 3m (đường phụ) và 4m (đường chính). Sau khi nghe lời dặn của Bác, các hộ gia đình ở cả đường phụ và chính đều lùi lại 1m, để tăng chiều rộng của đường lên 4 và 5m. Một tuần sau, thư ký của Bác về hỏi ông Trần Văn Túy (nguyên Phó chủ tịch xã Bát Tràng, đã mất) xem đường làng đã được mở rộng hơn chưa.

    Đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày Bác về thăm làng gốm Bát Tràng, nhưng người dân nơi đây vẫn luôn nhớ về Bác, làm theo lời Bác dặn. 2 trục đường chính của làng được đặt tên là Đường 20-4 (ngày đón Bác về thăm) và Đường 19-5 (ngày sinh nhật Bác). Nhân dân cũng đã lập bàn thờ tại nơi Bác đứng nói chuyện với dân làng để tỏ lòng ngưỡng vọng, ghi nhớ công ơn của Bác truyền lại cho con cháu muôn đời.

Bác Hồ - nguồn cảm hứng vô tận

Ngày nay đã hơn 50 năm trôi qua nhưng công ty gốm Nhật Minh vẫn cho ra nhiều sản phẩm có in hình của bác để gợi lại sự kiện bác về thăm làng với những nét vẽ sống động đầy màu sắc
 

Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
Facebook Youtube Top