Nghệ nhân Lê Minh Tiến: Một đời tâm huyết với Gốm sứ Bát Tràng
Vào một ngày đầu tháng 6 nắng hè oi ả, tôi có dịp về làng Gốm Bát Tràng, đến thăm một gia đình nghệ nhân đã có hơn 30 năm cống hiến cho nghề, bằng chính đôi bàn tay khéo léo của mình - ông Lê Minh Tiến.
Nghệ nhân Lê Minh Tiến: Một đời tâm huyết với Gốm sứ Bát Tràng
Trò chuyện với ông, mới thấy được bao nỗi vất vả, gian , nhưng cũng rất đỗi tự hào của người khi ông dành cả cuộc đời làm gốm. Bát Tràng là xã ven đô nằm yên bình trên bờ sông Hồng, cách 10 km về phía đông của thành phố Hà Nội. Bát Tràng nổi tiếng là làng nghề truyền thống với bề dày lịch sử lâu đời, chuyên gia công các loại gốm sứ chất lượng tốt nhất miền Bắc trong suốt hơn 1000 năm trở lại đây. Chính tại nơi này, những người dân quê chất phác đang ngày đêm “chế tác” ra nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng văn hóa độc đáo vươn cao, bay xa tới mọi miền của Tổ quốc và thế giới.
Dân Bát Tràng gọi ông Tiến là người có đôi bàn tay vàng và cơ sở sản xuất gốm Tiến Oanh của ông là có tiếng bậc nhất tại vùng, bởi qua đôi bàn tay khéo léo của ông, những hòn đất vô tri đã trở thành những sản phẩm gốm mang trong mình vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, trong sáng và thắm tươi hồn dân tộc. Cùng với đó là sự phong phú về chủng loại, các họa tiết hoa văn rất bắt mắt. Là người gốc Bát Tràng, được thừa hưởng những tinh hoa truyền thống về làm gốm sứ của gia đình và của xã, ông luôn say mê nghiên cứu, thiết kế sao cho những sản phẩm làm ra phải là đẹp nhất và chất lượng tốt nhất. Ông chia sẻ, “Vốn gốc tích ở đây nên việc làm gốm sứ của gia đình ông đã có từ rất lâu nhưng chủ yếu là sản xuất nhỏ. Những năm 80 của thế kỷ trước, gia đình ông đã bắt đầu chuyển hướng phát triển sản xuất, từ nhỏ lẻ lên quy mô sản xuất các dòng hàng chiến lược, những đồ gia dụng và các sản phẩm bán ra thị trường phải là những mặt hàng trung và cao cấp. Các sản phẩm bình, lọ hoa, cốc, chén, bình trà, bộ ấm chén, đồ trang trí gốm, sứ, bát, đĩa... do cơ sở của ông sản xuất đều được dán mác thương hiệu Tiến Oanh, để giữ uy tín và khẳng định chất lượng của gốm sứ. Chính vì vậy mà đồ gốm của ông đã được nhiều nhà hàng và khách sạn lớn trong nước tin tưởng, sử dụng, trong đó có Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội, khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội… Đặc biệt, trong thời gian qua, những sản phẩm của cơ sở Tiến Oanh sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước, mà còn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá trị lớn…
Gốm sứ Bát Tràng
Ông Tiến nói tiếp, để có được những thành quả như ngày hôm nay, Xưởng Gốm của ông đã trải qua nhiều giai đoạn hết sức khó khăn. Khi mới đi vào sản xuất, với số vốn hạn hẹp mà gia đình dành dụm được, ông không thể xây dựng xưởng có quy mô như ý muốn, mà chỉ dám mở một xưởng sản xuất nhỏ. Có sản phẩm thì lại lo tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thời kỳ đầu, khách hàng chủ yếu là người tiêu dùng quen biết, lượng hàng bán ra và tiêu thụ rất hạn chế. Khó khăn nhất chính là dây chuyền lò nung gốm. Vào những năm 1990, khi Bát Tràng đang trở thành điểm nóng của ô nhiễm môi trường do khí thải từ các lò nung gốm bằng than làm nhiều người dân trong xã bị ung thư. Với sức trẻ và tinh thần vượt khó, sáng tạo vươn lên, ông đã suy nghĩ, tìm tòi và quyết định phải chuyển đổi phương thức lò nung cũ, tìm nguồn nhiên liệu mới thay thế cho những chiếc lò than cũ kỹ và chứa đầy hiểm họa. Vào năm 1998, ông và gia đã quyết định chuyển đổi phương thức sản xuất, thay thế lò đốt than ảnh hưởng tới môi trường sang sử dụng kiểu lò mới dùng gas hóa lỏng để làm nhiên liệu đốt cháy, từ đó tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu khí thải, thân thiện với môi trường. Ông cho biết, “Từ ngày chuyển sang sử dụng lò gas thay cho lò than thì hiệu quả sản xuất của cơ sở tốt hẳn lên, không khí sạch sẽ, an toàn lao động, sản phẩm thì đẹp hơn, hàng ít bị lỗi”.
Vượt qua những chặng đường khó khăn để vững bước phát triển, ông Tiến đã rút ra được bài học, phải có “Sản phẩm đẹp - Chất lượng tốt - Giá cả phải chăng - Phục vụ tận tình”, nên cơ sở Tiến Oanh đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, lắp đặt dây chuyền công nghệ, tích cực tìm tòi và sáng tạo ra những sản phẩm mới, nước men mới với mục đích đáp ứng thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, luôn tạo được sự yêu thích và tín nhiệm của mọi khách hàng trong và nước ngoài. Trong tương lai, cơ sở sản xuất của ông sẽ hướng tới giảm các mặt hàng tầm trung và thay vào đó là tập trung sản xuất những mặt hàng gốm sứ cao cấp, nhằm đáp ứng ngày càng nhiều những đơn hàng cao cấp trong nước và xuất khẩu sang thị trường thế giới, trong đó có thị trường truyền thống là Nhật Bản.
Là một người con của quê hương Bát Tràng, ông Tiến mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn nữa trong vấn đề quảng bá sản phẩm gốm sứ của làng nghề ở thị trường trong nước cũng như thị trường ngoài nước. Đồng thời, hỗ trợ địa phương đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển, thu hút khách du lịch đến làng cổ Bát Tràng, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Cùng với đó là việc bảo tồn và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của làng nghề trước việc xuất hiện sự cạnh tranh quyết liệt của các sản phẩm làm giả thương hiệu của Gốm sứ Bát Tràng.
Dẫu còn nhiều khó khăn, trăn trở, nhưng với những nghệ nhân tâm huyết với nghề như ông Tiến, tin tưởng rằng việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy và truyền lại nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác là điều không khó.