Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn: Vũ trụ thu vào một chén con
Cách đây dăm năm, tình cờ khi đi chợ gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, tôi chợt chú ý đến một bộ ấm chén có dáng dấp ưa nhìn, được phủ men ngọc đậm, với họa tiết hình con cá vàng đang bơi lội khá sinh động.
Cách đây dăm năm, tình cờ khi đi chợ gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, tôi chợt chú ý đến một bộ ấm chén có dáng dấp ưa nhìn, được phủ men ngọc đậm, với họa tiết hình con cá vàng đang bơi lội khá sinh động. Điểm xuyết đây đó trên nắp hay thân ấm có những nhũ men nâu hòa sắc tạo nên nét thi vị làm độ bóng của men trở nên dịu dàng, ấm áp. Sau đó tôi còn mua những ấm mẫu khác, với họa tiết hoa đào, hay những giọt men rơi rất tự nhiên; cũng vẫn một phong cách mỹ cảm của một tác giả, đượm chất đồng quê. Gần đây hỏi thăm, tôi mới hay chúng được xuất ra từ lò gốm Tô Thanh Sơn, và lần mò tìm đến...
gốm sứ bát tràng - gom su bat trang
Ngôi nhà quê Thuận An Đường
Đó là một ngôi nhà đúng với nghĩa quê thứ thiệt, với những viên gạch Bát Tràng xưa cũ. Cánh cổng mở, tôi đi vào tự nhiên như về nhà mình, có cảm giác gần gũi và thân thiết với những chum vại cùng tượng gốm và cây cối nơi đây. Tôi ngồi thừ bên thềm ngôi nhà ngói cổ, trên những viên gạch mà tôi còn nhớ câu ca dao từ khi còn học phổ thông: “Ước gì anh lấy được nàng. Để anh mua gạch Bát Tràng về xây...” . Tôi sờ vào những viên gạch trên sân và mới hiểu vì sao chủ nhân ngôi nhà này, Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn bộc bạch trên tấm bảng treo vách tường: “...Từng góc nhìn, từng bước chân, toát lên được cái hồn cốt, cái tình người trong gốm. Với mong muốn mọi người khi ghé thăm đều cảm thấy như trở lại chốn quê dưới mái nhà xưa...”. Đúng vậy, tôi thả hồn vào một không gian mà tôi có cảm giác thân thương. Tượng ông Di Lặc đang cười với niềm vui con cháu trở về.
Tôi bỏ dép và đi chân trần làm phép đếm từng viên gạch mát rượi dưới ánh nắng dịu nhẹ chớm thu. Đúng lúc đó, Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn trở về. Ông cười khi thấy tôi lúng túng đứng ngây ra trước những bình gốm bên hè. Khi thấy tôi xin lỗi vì dám tự tiện bước vào nhà, ông vội cười xòa và đọc lên mấy câu đối, ý rằng: “Môn đa khách đáo thiên tài đáo. Gia hữu nhân lai vạn vật lai”. Nghĩa là: “Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến. Nhà có người vào lắm vật vào”. Thế là ông mời tôi ngồi xuống bộ ghế tràng kỷ cổ để uống nước chè tươi và coi như tôi sẽ mang điều may đến khi muốn vào chơi ngôi nhà này.
Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn: Vũ trụ thu vào một chén con
Nghệ nhân Tô Thanh Sơn kể đã dành hơn ba năm trời đi khắp nơi sưu tầm gốm cổ của quê hương tha phương đây đó. Ông còn tìm được hơn 3.000 viên gạch Bát Tràng cổ để làm cổng và lát sân. Giờ tôi mới hiểu câu ca dao xưa nói về giá trị của gạch Bát Tràng là tốt đến mức, rêu không bám và không đổ mồ hôi khi trời nồm. Tôi bần thần lắng nghe tiếng chim họa mi hót bâng khuâng trong ngõ nhỏ. Ông ngồi im lặng bên tôi cùng những ký ức chợt ùa về.
...Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào đầu thập niên 80, anh chàng thợ gốm trẻ Tô Thanh Sơn ngày ấy nguyện lập nghiệp và mưu sinh bằng chính nghề của ông cha để lại. Anh tầm sư học đạo, tích lũy kinh nghiệm làm nghề của các bậc cao nhân trong làng. Đó là các cụ An, cụ Vấn, ông Giàng, cụ Chí... Người thì anh học cách tạo dáng, người thì học những thủ thuật làm men, làm màu; cùng với đó là những bí ẩn về hỏa biến từ ngọn lửa trong lò nung. Những người bạn làng ngày ấy cùng hăng say khám phá nghề gốm và động viên nhau làm giàu từ chính từ hai bàn tay và hòn đất quê hương. Nhưng mọi chuyện đối diện với thị trường và phương thức làm ăn thời bao cấp không dễ dàng với những người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm từng trải. Anh cùng bạn bè gặp những trắc trở khó vượt qua, khi thời vận chưa tới. Và, chính anh đã bị quật ngã trong một hợp đồng làm ăn, khi công ty gia đình bị đối tác chiếm dụng vốn khá lớn, vào những năm đầu thập niên 90.
Ngỡ như sự nghiệp bị sụp đổ khi công ty đứng trước bờ vực phá sản. Và, chính tại ngôi nhà “Thuận An Đường”, nơi trở về với sự bình yên này, anh đã phải đau đầu trước bài toán, tìm ra con đường đi của gốm cho mình. Làm lại từ đầu. Nhưng từ đâu? Lúc này không còn là sự may rủi nữa mà phải tìm cách vượt qua chặng đường đầy cam go trước cơ chế thị trường. Đó là những đêm suy tư. Cũng là những chuỗi ngày đọc và học để tìm ra một hướng đi mới. Rồi tình cờ, anh chợt nhớ lời người bạn và cũng là người thầy dạy của mình là giáo sư - họa sĩ Trần Khánh Chương, có lần khẳng định rằng: “Muốn con đường gốm trở nên bền vững và phát triển, phải được phát huy trên nền tảng gốm truyền thống”. Tồn tại hay không tồn tại? Nếu cứ chạy theo mẫu mã thị trường, bóng bảy, thực dụng thì sẽ bị chết tức tưởi trước hàng ngoại tràn ngập. Đó là kinh nghiệm sống còn mà nghệ nhân trẻ Tô Thanh Sơn ngày đó đã trải qua. Nhưng con đường tìm về dòng gốm truyền thống như thế nào cũng không hề dễ dàng. Một cuộc dấn thân mới. Một cuộc cách mạng về tư duy và phương thức làm ăn đầy thách thức trước thực tiễn.
Có chí thì nên
Bất ngờ nghệ nhân Tô Thanh Sơn dẫn tôi xuống xưởng gốm rồi đưa cho tôi xem một mẫu hàng. Ồ, thì ra đó chính là bộ ấm chén mà tôi đã từng sưu tầm bấy lâu nay. Ông nói, cuộc cách mạng bắt đầu từ cách làm truyền thống này đây. Tập trung làm hàng gia dụng, cùng những họa tiết truyền thống và phủ men cổ để tạo nên nét đặc trưng Bát Tràng. Nhưng men phủ lên như thế nào, chọn đường nét họa tiết, hình tượng ra sao, mang phong cách của riêng mình quả là một quá trình lao động đầy trầm luân. Nhưng hàng đến tay người tiêu dùng không đơn giản chỉ là đẹp và giá thành rẻ. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt giữa sự xâm thực ồ ạt những hàng gốm sứ ở nước ngoài tràn vào. Tâm lý sính dùng hàng ngoại là một trở ngại hết sức cam go đối với thị trường gốm Bát Tràng.
Thật may sao thời vận sáng sủa đã đến với gốm Tô Thanh Sơn, khi có khách hàng Nhật tìm đến đặt hàng, sau những khảo sát kỹ lưỡng. Họ đã tìm ra một sản phẩm đẹp mang đầy đủ những yếu tố truyền thống, có nét đặc thù riêng. Đó là dòng gốm Bát Tràng mang phong cách Tô Thanh Sơn. Đó là một sự phát hiện chính từ ngôi nhà “Thuận An Đường” này. Nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn đã được ký kết và nghiệp làm ăn của công ty gia đình phát đạt từ đấy. Và, cũng chính từ đó các mẫu hàng của nghệ nhân Tô Thanh Sơn được chính người tiêu dùng tìm đến. Nhiều gian hàng ở chợ gốm đã đặt hàng mang thương hiệu Tô Thanh Sơn để bán. Có lẽ chính tôi đã bị dòng gốm này mê hoặc từ lâu là vì thế.
Nhưng điều lớn lao hơn, cũng bắt đầu từ đây, hướng phát triển gốm theo dòng truyền thống này đã thúc giục trong tâm hồn nghệ nhân Tô Thanh Sơn một cuộc dấn thân mới. Đó là sự nghiệp phục hồi những nền tảng nghệ thuật gốm của ông cha đã bị mai một đi hàng trăm năm qua. Niềm đam mê men cổ trong nghệ nhân Tô Thanh Sơn thật lạ kỳ. Một trong những thử thách đầu tiên là việc nghệ nhân đã chế tác đôi bình gốm men lam và dâng tiến tại đền thờ tổ gốm sứ Đặng Huyền Thông, tại quê hương gốm Chu Đậu, Hải Dương. Đó là một thành công được đánh giá cao khi nghệ nhân Tô Thanh Sơn đã phục hồi chính xác màu men lam xám của bậc tiền bối Đặng Huyền Thông vào thế kỷ 16.
Để chứng minh cho niềm đam mê của mình đã trải nghiệm hai mươi năm qua, nghệ nhân Tô Thanh Sơn dẫn tôi lên các phòng trưng bày gốm của ông ngay tại “Thuận An Đường”. Tôi thật sự choáng ngợp với những bình lọ, lư hương, nghê, hạc và các tượng Phật... Đó là những tác phẩm được phục chế, không khác gì đồ gốm cổ với các màu men của cha ông hàng trăm năm qua. Đặc biệt trong đó có chiếc chóe lớn màu men trà, một màu men cổ được nghệ nhân chế tác nhân dịp chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hiện vẫn được lưu giữ tại đây. Hình tượng của chiếc chóe thanh thoát tựa bông sen và toàn bộ bề mặt được khắc bức phù điêu tròn với hình ảnh vua Lý Công Uẩn đọc Chiếu dời đô về Thăng Long. Cùng với đó, phía sau là toàn bộ bức Chiếu dời đô. Đây là một tác phẩm gốm tạo hình đậm chất truyền thống và lớn nhất từ trước đến nay (cao 1,65m, đường kính 1m). Đó là một kỷ lục và một đỉnh nghệ thuật gốm Bát Tràng.
Nghệ nhân Tô Thanh Sơn còn nổi tiếng khi được đặt hàng gốm đặc biệt ở khu Thái Miếu - Lam Kinh (Thanh Hóa). Đó là toàn bộ đồ thờ đã được nghệ nhân phục dựng đúng với men gốm cổ của thời Hậu Lê, với họa tiết đắp nổi đặc trưng của nó. Những nhà nghiên cứu gốm đã từng thốt lên, thật không thể ngờ được và cũng không thể hình dung bằng cách nào mà nghệ nhân Tô Thanh Sơn đã phục dựng một cách thần kỳ đến vậy. Phải chăng đó là một bí ẩn trời cho một nghệ nhân chân đất suốt một đời học hỏi và lao động. Ông còn nổi tiếng ở Bát Tràng ở sự độc diễn khám phá và phục dựng dòng gốm men rạn bị thất truyền từ thế kỷ 19. Tô Thanh Sơn được coi là một trong bốn cái tên, như bốn cái trụ gốm trong làng Bát Tràng, đó là Độ - Thắng - Lợi - Sơn. Họ đều là những nghệ nhân ưu tú của làng được Nhà nước phong tặng. Nói đến gốm Tô Thanh Sơn là nói đến men lam thời Nguyễn và nói đến men rạn (rạn từ xương gốm) cổ truyền. Một thương hiệu đích danh, dị biệt.
Vĩ thanh
Tôi lang thang như bị mộng du trong cõi gốm Tô Thanh Sơn. Này đây là ông bình vôi men rễ cây, kia là lục bình phục chế đắp nổi phù điêu rồng, hay đó là cổ vật hàng Tam Thái, cùng lọ tỏi hoa văn dây cúc... Tất cả là hàng phục chế cổ vật mang ngôn ngữ gốm Tô Thanh Sơn. Tôi chợt dừng chân trước một bài thơ treo trên tường và đọc lên những dòng cảm tác, phải chăng đây là tâm sự sâu lắng từ cõi tâm và đạo làm gốm của Tô Thanh Sơn hơn ba mươi năm qua: “Bộ trà Vương đạo mang hồn núi. Vũ trụ thâu vào một chén con. Nâng chung thấu hiểu trà xanh biếc. Dâng tặng thân mình gửi nước non”. Đúng là người nghệ nhân ưu tú này đã dâng tặng thân mình gửi nước non qua những màu men hàng trăm năm của làng cổ Bát Tràng.