Phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng
Thực ra du lịch đến Bát Tràng cũng chưa lâu. Du khách đến đây hôm nay phần lớn là hiếu kỳ, muốn xem người Bát Tràng làm ra sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như thế nào? Và cũng một phần do danh tiếng của làng tồn tại suốt hơn 7 thế kỷ.
Thực ra du lịch đến Bát Tràng cũng chưa lâu. Du khách đến đây hôm nay phần lớn là hiếu kỳ, muốn xem người Bát Tràng làm ra sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như thế nào? Và cũng một phần do danh tiếng của làng tồn tại suốt hơn 7 thế kỷ. Tuy nhiên sự nổi tiếng của Bát Tràng chưa làm cho người Bát Tràng thật sự giàu có, đó là khắc khoải của không chỉ là người dân Bát Tràng mà còn là trăn trở của lãnh đạo địa phương hôm nay…
Hướng dẫn mua gốm sứ Bát Tràng tại Tp HCM
-> Du lịch Bát Tràng ( xem chi tiết )
Trăn trở ở làng nghề Bát Tràng. Làng nghề truyền thống nổi danh đã ít nhiều là niềm hy vọng không chỉ của người dân trong làng mà còn là niềm hy vọng của nhiều cấp nhiều ngành về mảnh đất có bề dày lịch sử hơn 7 thế kỷ này. Trước giờ nếu ai đó nghĩ Bát Tràng không giàu có thì không đúng. Đến Bát Tràng hôm nay khách sẽ gặp không ít đại gia nhà cao cửa rộng, xứng tầm người thủ đô. Nhưng nếu xét trên bình diện chung thì người dân Bát Tràng vẫn còn xa lắm với tiêu chí giàu có của người dân thị thành. Ông Đào Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng cho biết: toàn xã hiện có 1.800 hộ với 8.500 nhân khẩu, nhưng ở đây hàng ngày có từ 3.000 đến 5.000 lao động từ các địa phương khác đến làm việc. Có nghĩa là ở cái làng bé nhỏ ven sông Hồng này cũng là một trung tâm thu hút lao động phổ thông tứ xứ, mặc dù lực lượng lao động của làng không phải là mỏng, nhưng làm không xuể, bởi hàng trăm công việc liên quan đến nghề gốm sứ không phải người làng ai cũng ham muốn, nên nhập lao động đến vẫn là thượng sách…Trong sự giao thoa lao động đó, nghề gốm Bát Tràng sẽ có cơ hội đi ra, hòa vào cuộc sống của muôn dân đất Việt. Tuy nhiên sản phẩm gốm sứ Bát Tràng vẫn có cái gì đó chưa đạt được cái ngưỡng của phổ biến tiêu dùng trong nước, nhìn ở góc độ nào đó thì đẹp, nhưng để đồng đều trong tâm thức tiêu dùng thì chưa hẳn. Người dùng đồ Bát Tràng hôm nay trong ý niệm vẫn mang nhiều tính hoài cổ, chưa thật sự cảm hết được những gì tinh túy trong mỗi sản phẩm so với một số đồ gốm, sứ Việt nam khác đang có trên thị trường. Do vậy mặc dù kinh tế tổng quan của Bát Tràng ngày một phát triển, ở mức tăng trưởng trên 14%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thủ công nghiệp chiếm 50%; dịch vụ thương mại chiếm 47%; nông nghiệp chiếm 3%; bình quân thu nhập đầu người đạt từ 8,5 - 9,6 triệu đồng/năm. Song so với mặt bằng chung thì Bát Tràng chưa phải là một địa phương giàu của làng nghề, chứ chưa nói là so với thu nhập bình quân của Hà Nội. Phải làm giàu, phải để mỗi người dân Bát Tràng có của ăn của để.v.v và .v.v. đã làm cho cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở nhiều năm qua…
Phát triển du lịch Bát Tràng là 2 trong 1 ở Bát Tràng Theo báo cáo của UBND xã Bát Tràng thì hàng năm làng nghề đón khoảng 10.000 lượt khách quốc tế và trên 50.000 khách trong nước. Khách đến Bát Tràng đã giúp cho các cơ sở sản xuất, giới thiệu và bán sản phẩm của làng từ gốm sứ xây dựng, gốm sứ dân dụng, gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu phát triển.., nâng tỷ trọng thương mại dịch vụ của Bát Tràng lên 47%, giá trị tổng sản lượng hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bát Tràng. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng nhận định, hiện nay khách đến Bát Tràng chủ yếu là tham quan, mua hàng tại chợ gốm, còn các dịch vụ giới thiệu với khách về lịch sử văn hóa, giá trị nghề truyền thống thì vẫn chưa mang tính chuyên nghiệp, chưa kết nối được các điểm tham quan. Mặc dù cái khó là vậy, nhưng người Bát Tràng nối được chí cha ông, không chịu lùi mà mạnh dạn tìm lối thoát ngay từ chính làng nghề của mình. Một loạt giải pháp ra đời trên cơ sở vốn có của làng nghề truyền thống, đó là: dựa vào làng nghề để phát triển du lịch, đó là dùng sản phẩm của mình vươn ra thị trường trong ngoài nước để phát triển sản xuất và cũng chính việc đó đã quảng bá xúc tiến du lịch Bát Tràng có hiệu quả. Từ năm 2004 Chợ gốm Bát Tràng được hình thành với 120 ki ốt bán hàng, hiện nay đang là điểm tham quan mua sắm khá tốt của làng nghề. Giao thông bước đầu được mở mang với tuyến xe buýt Long Biên – Bát Tràng và tuyến du lịch từ Bến Chương Dương – Làng cổ Bát Tràng và một số doanh nghiệp du lịch đã thiết kế tuor tham quan Bát Tràng tạo thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Các dịch vụ, du lịch mới hình thành (ví dụ tổ chức cho khách du lịch vuốt nặn sản phẩm trực tiếp), có nhiều du khách rất thích kiểu trải nghiệm nàý, nhưng sản phẩm du lịch ở đây mới chỉ khiêm tốn mang tính tự phát, chứ chưa hình thành được tour, tuyến, dịch vụ chuẩn hấp dẫn du khách… Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, đã thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên việc khai thác triệt để, phát huy cao độ du lịch ở địa phương thì quả là chưa tương xứng với tiềm năng. Có thể thấy rõ nhất ở đây, đó là thiếu đủ thứ, từ nơi ăn chốn nghỉ cho ra dáng một điểm du lịch hầu như chưa có. Bến bãi đón khách cũng không tìm đâu ra chỗ. Rồi sự kết nối trong ngoài với các tỉnh địa phương bạn chưa rõ nét. Ngay đến việc liên kết với các doanh nghiệp hoạt động du lịch một cách bài bản hầu như chưa được chú trọng,…
Du lịch Bát Tràng sẽ làm sống làng nghề Nói thế có khiên cưỡng khổng? Vì Bát Tràng vẫn sống bằng nghề và vẫn phát triển đấy thôi. Tuy nhiên để gốm sứ Bát Tràng “bằng chị, bằng em”, xứng với tuyền thống tổ nghề, thì người Bát Tràng vẫn phải gồng mình lên để tiếp ứng được với bao nhiêu thách thức trong thời buổi thị trường người khôn của khó hiện nay. Trong hàng loạt giải pháp duy trì phát triển làng nghề thì: một trong những giải pháp được ưu tiên của người Bát tràng, đó là: lấy du lịch để phát triển làng nghề và rồi bước đi đó được cho là đúng hướng. Phát triển du lịch để phát triển làng nghề, cách này là tốt nhất để sản phẩm Bát Tràng ngày một nổi tiếng hơn. Có thể thấy sự đồng thuận không chỉ ở từng người dân, mà cả các cấp Đảng, chính quyền của Hà Nội đã chọn du lịch như một hướng đi đúng đắn để phát triển nghề gốm sứ Bát Tràng. Thời gian vừa qua Thành phố Hà Nội và địa phương đã mạnh dạn đầu tư trùng tu tôn tạo một số di tích lịch sử của địa phương như đình làng Giang Cao xây dựng cách nay hơn trăm năm và được xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp quốc gia, Chùa Tiêu Giao, Đình làng Bát Tràng, Miếu thờ Thành Hoàng, Văn Chỉ v.v. Có thể nói các di tích văn hóa lịch sử của Bát Tràng không chỉ có bề dày của quá khứ mà còn có chiều sâu của di sản, đó là những nét độc đáo riêng của làng nghề và chắc chắn rằng đó là những điểm tham quan lý thưởng dành cho du khách mỗi lần đến Bát Tràng thưởng lãm và trải nghiệm…. Làng nghề Bát Tràng hôm nay đã dần hiện rõ bước đi trong việc phát triển kinh tế xã hội với nghề gốm sứ tiếp cận với văn minh hiện đại và gìn giữ vốn cổ truyền thống kết hợp với làm du lịch. Du lịch Bát Tràng sẽ trở nên hấp dẫn nếu người Bát Tràng tổ chức được các sản phẩm du lịch theo hướng trải nghiệm cho du khách và thông qua du khách để sản phẩm Bát tràng đến được muôn nơi. Làm được điều này cũng không phải dễ nếu không có những nhạc trưởng tài ba và tâm huyết trong việc tổ chức các hoạt động du lịch tại làng, cũng như triển khai hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến ở trong và ngoài nước…Chưa kể đến việc làng phải được đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch cho thật sự chuẩn mực để lưu chân khác mỗi lần về làng phải được khám phá và hiểu biết sâu sắc nghề gốm sứ.., không phải chỉ là tham quan “cưỡi ngựa xem hoa”…Muốn làm được điều đó người Bát Tràng phải biết tận dụng những thế mạnh của mình và xác đinh du lịch sẽ nuôi sống nghề gốm sứ Bát Tràng một cách bền vững.