"Vua gốm sứ cổ" Đinh Công Tường
Hơn 20 năm đi “góp nhặt” cổ vật gốm sứ, đến nay, đến nay “khối tài sản” của nhà sưu tầm Đinh Công Tường đã vượt quá con số 80.000 cổ vật và ông trở thành một trong những người sở hữu nhiều đồ cổ gốm sứ nhất Việt Nam, xứng danh “vua gốm sứ cổ” Việt Nam mà người trong giới “cổ - kỳ - quái” phong tặng cho ông.
Nhà sưu tầm Đinh Công Tường (Khu phố 5, P. Hiệp Thành, Q. 12, Tp. Hồ Chí Minh) sinh năm 1968 tại Hà Nội trong một gia đình có ông bà nội - ngoại đều yêu chuộng đồ cổ. Vì thế, thú đam mê sưu tầm đồ cổ đã ăn sâu vào tâm trí ông từ nhỏ. Sau giải phóng, ông theo gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp và chỉ mang theo một chiếc đĩa, một cái tô cổ của bà ngoại tặng làm “quà” đi xa. Ông bảo, chính hai kỷ vật này đã tiếp sức cho tôi những lúc khó khăn nhất và đánh thức niềm đam mê cổ vật của mình.
Thời gian đầu, Đinh Công Tường từng làm công việc thu gom rác, làm bồi bàn, buôn hoa quả,... để mưu sinh, rồi cơ duyên đưa ông tới nghề trồng và chăm sóc cây cảnh, bon-sai. Được tí vốn, ông quyết định đầu tư vào công ty buôn dây cáp với đám bạn chí cốt. Có được ít lời, năm 24 tuổi, ông bắt đầu đi khắp các vùng quê Việt Nam từ Bắc chí Nam nhằm “gom” gốm sứ cổ về nhà mình để thỏa mơ ước.
Nhà sưu tầm Đinh Công Tường và kho gốm sứ cổ gồm hàng ngàn chiếc bát, đĩa, tách trà...
Chiếc đĩa “Cá hóa rồng” quý hiếm, gốm Biên Hòa thế kỷ 18.
Với tính cách phóng khoáng, vui vẻ, dễ gần, Đinh Công Tường nhanh chóng “lấn” sâu vào thú chơi cổ vật và nổi tiếng là tay săn đồ cổ “cao tay”. Đi tới đâu là ông kết bạn tới đó, từ bậc vương giả cho tới người lao động nghèo, ai ai cũng quý mến ông. Chính là nhờ cách giao tiếp thân thiện này nên nhiều khi vô tình ông “vớ” được những món hàng cổ, độc và hiếm ít ai có được. Ông chia sẻ: “Đó là “cái duyên” cần thiết để sống với nghề sưu tầm cổ vật, bởi nếu không có duyên, đôi khi gặp những món đồ mình yêu thích, có tiền nhưng chưa chắc người ta chịu bán. Nếu có duyên, đôi khi còn được người ta tặng không…”. Và để có được những cổ vật gốm sứ yêu thích, nhiều khi ông phải “rình rập”, thuyết phục chủ nhân của nó mất vài năm mới mua được.
Mỗi lần có dịp đi nước ngoài, ông đều bỏ thời gian truy tìm cổ vật để làm giàu cho “kho tàng” của mình. Thế nên, bộ sưu tập gốm sứ cổ của ông rất đa dạng và phong phú. Ngoài ra, nhiều người nghe tiếng ông “nghiền” cổ vật gốm sứ nên thường tự tay mang đồ cổ tới tận nhà ông để bán được giá cao hơn. Con đường sưu tập gốm sứ cổ của ông Tường chỉ có vậy mà giờ đây, số lượng cổ vật của ông đã “vượt ngưỡng” sức chứa của ngôi nhà 3 tầng (600m2), một căn chòi và một căn nhà gỗ trong khu vườn nhà ông. Cổ vật nhiều đến nỗi chúng nằm lăn lóc khắp gầm giường, gầm tủ, góc nhà của ông. Vì thế, ngôi nhà của ông giờ trở thành “bảo tàng” gốm sứ cổ để người yêu cổ vật tới thưởng lãm...