Giỏ hàng

Về Bát Tràng sắm đồ chơi nặn gốm

Từ Hà Nội đến Bát Tràng, quãng đường khoảng 10 km đã được rút ngắn rất nhiều vì bạn không bắt buộc phải đi qua cầu Chương Dương mà còn có thể đi từ cầu Vĩnh Tuy hoặc Thanh Trì.

hững năm trước, muốn đi sang Bát Tràng, tôi thường phải chạy lên tận cầu Chương Dương rồi men theo con đường bụi bặm và lổn nhổn ổ voi ổ gà ven đê sông Hồng để sang với làng gốm. Chính vì quãng đường dù không xa lắm nhưng bẩn và bụi khiến tôi có chút ngại ngần mỗi khi định sang đây.
Cũng dễ 5 năm rồi chưa có dịp thăm lại Bát Tràng nên không biết đường đi lối lại giờ thế nào. Vẫn con đường cũ từ cầu Chương Dương rẽ phải đi 10 km, nhưng đường đã được làm rộng, sạch sẽ và không còn ổ gà nữa. Xe bon bon qua những ngôi làng trồng ổi thơm lừng, chẳng mấy chốc quãng đường chục cây số qua nhanh và cổng làng Bát Tràng đã ở trước mắt.
 
Làng Bát Tràng không thay đổi nhiều. Vẫn những ngôi nhà với đủ gian hàng đồ gốm, vẫn con đường quen lọc cọc tiếng xe ngựa, nhiều nhà khang trang hơn, cao tầng hơn. Càng vào sâu càng có nhiều nhà mở cửa hàng, lò gốm và khu phục vụ nặn đồ gốm cho khách. Rải rác khắp làng, chỗ nào cũng có khách du lịch đang lang thang, mua gốm, chụp ảnh, tự tay nặn bình gốm.
Chợ gốm vẫn là nơi tập trung đông khách nhất của làng Bát Tràng. Khu chợ giờ đã mở rộng thêm sang cả phía bên kia đường, nhưng khách vẫn thích mua trong chợ chính hơn. Đủ các loại mặt hàng được bày bán vô cùng đa dạng và phong phú về màu sắc, kiểu dáng lẫn chất lượng, đủ mức giá cả. Ngắm đồ trong chợ gốm có thể nắm được các sản phẩm hiện có tại Bát Tràng hôm nay đang phát triển mạnh như thế nào. Chính vì thế khách lẻ hay khách đoàn du lịch thường ghé chợ gốm trước tiên để xem các sản phẩm hiện có tại làng gốm, tham khảo trước rồi mới bước vào các cửa hàng sang trọng bên ngoài kia. Rất đông khách đã có mặt tại chợ dù mới chỉ khoảng hơn 9h sáng.
 
Đông nhất là khách theo đoàn tour, họ là những vị khách trong và ngoài nước và cũng là những người mua hàng nhiều nhất. Những bộ bát đĩa, cốc chén là mặt hàng được người mua miền trong chọn lựa. Sản phẩm tráng men hình chuồn chuồn hay chiếc lá, bông hoa hay men rạn đều rất đẹp, phong phú, nhẹ và vừa tầm tiền. Khách nước ngoài lại có xu hướng lựa chọn những sản phẩm mang tính thủ công, hình dạng và màu sắc độc lạ và ghi dấu ấn Made in Bát Tràng. Khách nước ngoài cũng rất chịu khó tìm đồ. Họ có thể mất cả ngày để đi khắp cả làng, vào từng nhà, ngắm từng món đồ và cẩn thận mua về. Các bạn trẻ thì ưa chuộng những món đồ xinh xắn, giá rẻ. Thế nên hàng làm móc khóa, vòng tay và chuông gió rất đông người đang lúi húi chọn, nhặt đồ. Một nhóm khác là các bà nội trợ rủ nhau mua đồ cho gia đình. Với mức giá thấp nhất từ 5.000 đồng cho đến vài chục triệu, ai cũng có thể mua một sản phẩm ưng ý với số tiền mình có.
Sau khi ngắm gốm trong chợ, bạn có thể sà vào một hàng nặn gốm để tự tay nặn những chiếc chén, bát của chính mình. Trò chơi này rất được lũ trẻ ưa thích. Được tự tay nặn, được nghịch đất và sáng tạo theo ý mình, còn gì thích thú hơn. Các em bé hơn lại thích trò tô tượng cũng có rất nhiều cửa hàng đang mở dịch vụ này. Rồi dạo bộ quanh làng, vào các cửa hàng gốm, đi chụp ảnh các lò gốm… vèo cái đã hết một ngày.
 
Chiều nhẩn nha ra về, tôi bảo không mua gì mà cũng lễ mễ xách một túi cói to tướng các loại. Một bộ ấm chén uống trà, một lo hoa để làm cảnh, vài chiếc cốc uống nước. Đường về nhà bây giờ ra đê rồi vượt cầu Thanh Trì về, rút ngắn được cả chục cây số so với lúc sáng nay đi. Tưởng xa mà lại thành gần nhà. Lần sau cần mua gì, tôi sẽ lại chạy sang đây.
 
Cuối tuần rảnh rỗi, bạn có thể dành nửa ngày để sang Bát Tràng, vừa đi chơi, vừa ngắm thoải mái đồ mang về, trang trí thêm cho ngôi nhà thân yêu.
 
Facebook Youtube Top