Xây dựng thương hiệu cho gốm sứ
Xây dựng thương hiệu cho gốm sứ “Sự cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh gốm sứ đang rất quyết liệt. Điều đó buộc các làng nghề, doanh nghiệp gốm sứ phải chuyển đổi mạnh mẽ để thích nghi” - ông Nguyễn Lực, trưởng đại diện Hiệp hội Làng nghề tại TP.HCM, đã cho biết như vậy tại hội thảo “Gốm sứ Việt Nam trong tiến trình hội nhập” tổ chức vào sáng 6-9 ở Bình Dương.
Theo ông Lực, hiện sản phẩm gốm của Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ... Cuộc cạnh tranh của gốm Việt Nam không chỉ là gốm thủ công từ các nước khác, mà còn từ các nhà máy sản xuất hàng loạt sản phẩm mô phỏng.
Đặt vấn đề làm sao để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm gốm sứ, ông Lý Ngọc Minh - chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương kiêm tổng giám đốc Công ty Minh Long I - cho rằng cần phải ứng dụng công nghệ trong sản xuất gốm sứ. Đặc biệt, phải xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm gốm. “Để làm được điều này, chúng ta cần tổ chức các đoàn đi tham quan công nghệ sản xuất trên thế giới, từ đó học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm” - ông Minh nhấn mạnh.
Bài học về việc xây dựng thương hiệu đã được nhiều doanh nghiệp, các chuyên gia và nhà chuyên môn xem là bài học đắt giá. Ông Võ Việt Hiếu, giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận, nói: “Qua nghiên cứu làng nghề gốm Bàu Trúc và so sánh với các làng nghề gốm khác trên cả nước, chúng tôi nhận thấy nhiều vấn đề cấp bách cần có giải pháp để phát triển làng nghề này trong xu thế mới. Đó là phải sớm xây dựng một chiến lược marketing, tạo lập thị trường và xác định tầm nhìn cho việc phát triển làng nghề trong tương lai”.
Bà Hồ Thị Thắm, phó chủ tịch Hiệp hội Gốm mỹ nghệ xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Chúng ta cần liên kết lại thành một sức mạnh cùng hoạt động kinh doanh, cùng phát triển”.
Nhiều nghệ nhân, doanh nghiệp và nhà chuyên môn dự hội thảo cũng đưa ra quan điểm: ngay từ bây giờ phải tính đến phương án xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, làng nghề, sản phẩm... trong lĩnh vực gốm sứ.