Điển tích Tô Vũ chăn dê
Tô Vũ chăn dê cũng là một điển tích của Trung Quốc được đưa vào trong gốm sứ Bát Tràng, một tích mà hình ảnh được thể hiện khá phổ biến và theo nhiều hình thức khác nhau trên chất liệu gốm sứ Bát Tràng.
Tô Vũ tên thật Tô Tử Khanh, người đất Đỗ Lăng là một bầy tôi trung của vua Hán Vũ Đế. Thời đó, nhà Hán thường bị giặc Hung Nô ở phương Bắc hay quấy nhiễu, dòm ngó. Tuy là nước lớn nhưng muốn cầu hòa, nên Hán Vũ Đế sai Tô Vũ đi sứ sang Hung Nô.
Sang bên Hung Nô, vì làm phật ý vua Hung Nô (thiền vu), Tô Vũ bị bỏ vào hang, ba ngày không cho ăn để cho chết. Tô Vũ nhờ hớp những giọt sương đêm trên ngù cờ mà sống sót. Thấy lạ, chúa Hung Nô kinh sợ, cho Tô Vũ là thần, không dám hại nữa mà đày đến đất Bắc chăn dê, giao hạn cho tới khi nào dê đực đẻ ra dê con mới được trở về Hán.
Đất Bắc giá lạnh hoang vu, không có người. Tô Vũ ở nơi đi đày, ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, thiếu thốn, cực khổ và tuyệt vọng. Gặp mùa chim nhạn thiên di về phương Nam, Tô Vũ viết một lá thư nhờ chim nhạn mang về nhà cho đỡ nỗi nhớ nhung. Hán Vũ Đế tình cờ nhặt được thư mới biết Tô Vũ đang phải chăn dê khổ cực ở phương Bắc.
Ở nơi đi đày, Tô Vũ chỉ còn biết làm bạn với cỏ cây, cầm thú và đã kết bạn tình với một nàng vượn người. Mặc dù cuộc sống của "họ" là hoang dã nhưng họ luôn âu yếm nhau và đã có với nhau một đứa con. Sau 19 năm, nhờ sự can thiệp của Hán Vũ Đế, Tô Vũ chia tay người vợ vượn người trở về Hán.
Điển tích Tô Vũ chăn dê trở thành một đề tài đặc sắc trong thi ca.