Gốm hoa lam của Bát Tràng ngày nay
Từ xưa đến nay, gốm luôn gắn liền với đời sống và nghệ thuật gốm đã trở thành một chứng nhân cho đời sống của con người, in dấu những biến đổi của xã hội, kinh tế, văn hoá, tôn giáo ở mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong nhiều lò gốm trên cả nước, lò gốm Bát Tràng vẫn luôn là cái tên quen thuộc với người dân nước ta. Gốm hoa lam của Bát Tràng ngày nay
Gốm hoa lam của Bát Tràng ngày nay với việc khai thác các mô típ truyền thống Từ xưa đến nay, gốm luôn gắn liền với đời sống và nghệ thuật gốm đã trở thành một chứng nhân cho đời sống của con người, in dấu những biến đổi của xã hội, kinh tế, văn hoá, tôn giáo ở mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong nhiều lò gốm trên cả nước, lò gốm Bát Tràng vẫn luôn là cái tên quen thuộc với người dân nước ta. Bát tràng xưa thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh), nay thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Theo cuốn "Gốm Bát Tràng thế kỉ XIV-XIX", trung tâm gốm Bát Tràng ra đời từ thời Lý và là nơi tạo tác đồ gốm men nổi tiếng qua nhiều thế kỉ. Nhìn chung, đồ gốm Bát Tràng có nét riêng là cốt dầy, chắc và khá nặng. Ngoài ra, với việc sử dụng các loại men trong nước theo kinh nghiệm riêng của một làng nghề gốm, nên lớp men trắng của Bát Tràng thường ngả màu ngà, đục và có các dòng men riêng từ loại men xanh rêu cùng nâu và trắng cho đến men rạn với cốt xốp có màu xám nâu. Qua những di vật gốm, tạm xác nhận gốm Bát Tràng có năm dòng men, có nhiều mô típ và hình thức trang trí như: khắc chìm tô màu, vẽ lam, chạm nổi, đặc biệt hình trang trí đắp nổi rất phổ biến. Nhìn chung, các loại hình gốm gia dụng Bát Tràng khá phong phú, gồm có: đĩa, chậu, âu, thạp, ang, bát, chén, khay trà, ấm, điếu, nậm rượu, bình vôi, bình, lọ, choé, hũ... Loại gốm thờ Bát Tràng phát triển khá mạnh và phong phú, gồm các loại chân đèn, chân nến, lư hương, đỉnh, đài thờ (tạo hình tương tự đài bằng gỗ sơn son hay bằng đồng). Đồ gốm trang trí là một loại hình gốm mang nhiều nét riêng của Bát Tràng: Mô hình nhà, long đình, bên cạnh đó nhiều loại tượng: tượng nghê, ngựa, hổ, voi, tượng Di Lặc, tượng Kim Cương, tượng Phật Bà Quan âm… Xét riêng về dòng gốm hoa lam, thế kỉ XV, là thời điểm phát triển mạnh mẽ nhất và đạt tới đỉnh cao. Gốm hoa lam của Bát Tràng ở giai đoạn này có nhiều điểm tương đồng với gốm hoa lam sản xuất tại lò Chu Đậu (Hải Dương), nhưng có những nét riêng về dáng và hoa tiết. Những bát, âu lọ, chân đèn... gốm hoa lam Bát Tràng ngay thế kỉ XV đã có lối vẽ phóng bút dù là vẽ phong cảnh, hoa dây lá hay vẽ rồng mây, men lam có sắc độ xanh chì đến xanh đen sẫm. Cũng theo mạch tiếp biến của dòng gốm hoa lam nước ta, đến thế kỉ XVI, gốm hoa lam không còn sự phong phú và kĩ thuật điêu luyện như trước, nhưng ngược nó mang nhiều sự ngẫu hứng, sáng tạo của người thợ gốm qua các mô típ trang trí. Thế kỉ XVII đã báo hiệu sự suy tàn của dòng gốm hoa lam và trong thế kỉ XVIII, những mô típ hoa lam thời Lê sơ thì hầu như còn rất ít trên gốm Bát Tràng. Như vậy, các phong cách, mô típ trang trí trên gốm hoa lam từ thời Lê sơ (có thể gọi là mô típ truyền thống, vì giai đoạn này, các mô típ trên gốm hoa lam phát triển phong phú và ở độ chín muồi nhất) gần như bị ngắt đoạn. Cho đến những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX, người thợ gốm Bát Tràng mới thực sự tìm về những mô típ xưa để tạo nên các mặt hàng gốm hoa lam ngày nay, trong sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Hiện nay, Bát Tràng có 1700 hộ và gần 6.700 nhân khẩu, quần cư tại hai thôn cổ: Giang Cao và Bát Tràng. Khác với các xã trong huyện, xã Bát Tràng không còn sản xuất nông nghiệp mà chuyên sản xuất tiêu thụ gốm sứ truyền thống. Theo điều tra của xã: 83,7% hộ trực tiếp sản xuất gốm sứ; 10,6% hộ dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Quy mô hộ gia đình là những đơn vị sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ở Bát Tràng, còn có 40 tổ chức kinh tế đủ loại từ: công ti cổ phần, công ti trách nhiệm hữu hạn và hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Gốm Bát Tràng đã chiếm lĩnh được thị phần tại các nước: Đài Loan, Nhật, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Đức. Hầu hết các lò gốm đã chuyển sang nung bằng lò ga chứ không dùng than củi, dễ gây ô nhiễm môi trường như trước. Lò ga trung bình khoảng sáu khối, lò lớn nhất là mười hai khối, những lò nhỏ khoảng hai, ba khối; nhiều chủ lò gốm có hai đến bốn lò trong xưởng với công xuất khác nhau để làm gối các mặt hàng. Đồ gốm ở Bát Tràng được sản xuất rất phong phú và biến động theo nhu cầu của khách hàng. Tùy theo mức độ hợp đồng hàng xuất đi mỗi năm, mà các lò gốm sản xuất nhiều loại hay ít loại. Mặt hàng gốm men vẫn luôn là mặt hàng chính của Bát Tràng, phần lớn là xuất khẩu, trong đó số đồ gốm hoa lam trong năm nay chiếm khoảng 30%, phần lớn xuất đi Nhật Bản, Anh, Pháp, úc... Riêng trong mấy năm gần đây, do thị hiếu của người dân nước ta đang có xu hướng tìm lại những vẻ đẹp truyền thống xưa từ cách xây dựng, trang trí nhà ở, đồ nội thất đến màu sắc, kiểu cách quần áo, những vật dụng gia đình, vì thế đồ gốm hoa lam tiếp thu những mô típ trang trí truyền thống cũng được tiêu thụ một phần nhỏ trong nước. Mấy năm trước, mặt hàng vẽ hoa lá truyền thống có nhiều chủng loại, bày tràn ngập trong các gian hàng gốm ở Cao Giang, nhưng đến năm nay đã giảm đi nhiều vì có ít hợp đồng và một số lò giữ được hợp đồng đang hướng đến sản xuất mặt hàng chất lượng cao hơn. Ví dụ, công ti gốm Bảo Quang ở Bát Tràng, chủ lò gốm này là hậu duệ đời thứ ba của cụ Phạm Văn Huỳnh, người làm ra nhiều sản phẩm gốm men rạn độc đáo và đã đạt danh hiệu nghệ nhân tại cuộc thi tay nghề thủ công giỏi Đông Dương năm 1942. Hiện nay, Bảo Quang sản xuất hàng loạt hàng gốm men rạn vẽ lam theo những mô típ hoa văn truyền thống, gần như đứng đầu trong một số lò gốm có kĩ thuật làm men rạn cao. Những người thợ gốm Bát Tràng đã sử dụng và biến tấu một số mô típ trang trí gốm hoa lam truyền thống thể hiện trên những loại hình gốm gia dụng như: bát, đĩa, khay, ấm, chén, bình, lọ, hộp tròn thấp, hộp tròn cao, chén, đĩa nhỏ đựng gia vị, đế để đũa, hộp nhiều ngăn đựng mứt... Nhiều loại hình gốm đã được biến đổi kiểu dáng đơn giản, hiện đại hơn theo yêu cầu của khách hàng. Ví dụ, loại hình ấm khá phong phú, có loại được giữ kiểu dáng tương tự như ấm ở thế kỉ XV: thân bầu, thấp, có quai xách phía trên. Hay loại ấm kiểu dáng thân thẳng đứng, cao như kiểu ấm tích, ủ trong giỏ, thường thấy ở các vùng quê. Những loại ấm này thường vẽ hoa sen, hoa cúc dây hoặc vẽ tôm cá, rong rêu. Một, hai năm gần đây, phần lớn các lò gốm sản xuất mặt hàng gốm hoa lam truyền thống đang quay lại sản xuất loại ấm kiểu dáng thông dụng như của Trung Quốc: ấm thân bầu, thấp, có quai bên cạnh thân vẽ hoa cúc dây, văn mây và hoa sen trên nắp ấm. Những loại ấm này vẫn đi với chén không quai, kiểu chén hạt mít. Không những thế, kiểu chén hạt mít còn đi cùng với loại ấm thân có hình khối vuông, trên vẽ cá với cây dong hay chuồn chuồn với khóm khoai nước... quai tết bằng mây. Nhưng thay đổi về kiểu dáng để phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng trong cuộc sống hôm nay còn thể hiện rõ ở loại hình chén và khay, đĩa. Loại chén truyền thống là loại chén nhỏ không quai, thường vẽ hoa văn dây quanh thành ngoài của chén. Ngày nay, các lò gốm đã sản xuất nhiều loại tách uống cà phê có quai và mỗi tách đi kèm với một đĩa nhỏ. Nét đẹp của loại gốm này khá đặc thù, vì nó kết hợp giữa kiểu dáng hiện đại, mang phong cách, nhu cầu của cuộc sống văn minh phương tây, nhưng lại được trang trí bằng những mô típ hoa văn truyền thống của nước ta. Không những thế, người thợ gốm còn kết hợp vẽ lam bên trong và láng men xám đen ở bên ngoài tách. Nhờ vậy, họ vẫn tạo cho sản phẩm nét đẹp của đường nét trang trí mềm mại mà lại có cái chất khoẻ, chắc chắn. Các loại khay để ấm, chén có hình chữ nhật, hình tròn... nhưng phổ biến là khay tròn, thành cao, đứng, các mô típ trang trí tương tự với bộ ấm chén đi cùng như hoa cúc dây, cá tôm, chuồn chuồn... Đĩa vẽ hoa lam của Bát Tràng hiện nay khá phong phú, có nhiều kiểu dáng lạ mắt. Người ta ít thấy các kiểu đĩa đựng thức ăn thông dụng như đĩa thế kỉ XV. Do mặt hàng bát đĩa Trung Quốc vẫn luôn chiếm lĩnh thị trường nước ta, nên người Bát Tràng phần lớn sản xuất loại đĩa có tạo dáng lạ theo đơn đặt hàng để xuất đi nước ngoài. Các kiểu dáng đĩa vẽ hoa văn truyền thống được xuất đi Nhật, như loại đĩa hình quạt, hình chữ nhật, hình chiếc lá, hình ô van... Những thay đổi này cho thấy sự đan xen lối tạo hình hiện đại với những hoạ tiết truyền thống có sáng tạo của người thợ gốm Bát Tràng hôm nay. Kiểu dáng của các loại bình hoa không thay đổi nhiều lắm, vì thế nó mang phong cách gốm thế kỉ XV nhất, đặc biệt là bình vẽ hoa phù dung. Nhìn về tổng thể, loại bình này tạo cảm giác có sự sao chép gần như hoàn toàn. Nhưng thực chất, người thợ gốm đã đưa thêm nhiều dạng hoa văn khác vào những tầng trang trí đường diềm nhỏ. Loại bình hoa lớn có giá thành cao, nên phải là những người thợ vẽ có tay nghề cao đảm nhiệm. Bố cục trang trí trên bình được sắp xếp như loại bình lớn thời Lê sơ và hoạ tiết hoa mẫu đơn cũng được thể hiện mềm mại, tinh tế. Tuy nhiên, ngày nay, các thợ gốm, dù cố gắng thể hiện đạt đến độ thẩm mỹ cao đến đâu, thì họ vẫn không thể đạt được độ căng đầy của khối, và độ chuyển thắt, lượn mềm mại từ cổ đến thân bình như thời Lê sơ. Đây cũng là điểm yếu chung của tạo dáng gốm ngày nay, đặc biệt là ở Bát Tràng. Cũng có thể do về sau, Bát Tràng chuyên sản xuất đồ gốm cốt dầy, dáng thô nên đến nay đó cũng là một thói quen trong cách nhìn của người thợ gốm. Ngày nay, đồ gốm hoa lam của Bát Tràng được thể hiện trên nhiều loại men như: men rạn, men búp dong (men bóng có màu xanh nhẹ), men trắng... Các đồ gốm hoa lam này chỉ tiếp thu một số mô típ trang trí của thời Lê sơ và dựa trên những mô típ đó, người thợ gốm vẽ thay đổi thêm bớt một số chi tiết. Các mô típ như: hoa cúc, hoa sen, hoa mẫu đơn, bố cục tôm, cá bơi bên những cây rong... và nhiều hoa văn đường diềm được vẽ cách điệu một cách khúc triết, mạnh mẽ hơn. Hoa cúc là mô típ truyền thống được sử dụng nhiều nhất, thường xuất hiện trên bát, đĩa, ấm, chén, khay. Dựa trên tinh thần và bố cục của mô típ hoa dây truyền thống, người thợ gốm Bát Tràng đã sáng tạo ra loại hoa cúc dây riêng: Lá cúc được thể hiện bằng một đường xoắn ốc, có độ nhấn khác nhau ở mỗi vòng quấn. Cách tạo hình này gần với loại văn dây cách điệu của thời Lê sơ. ở giữa lòng bát, thường vẽ một cành hoa cúc trong bố cục đường tròn, nhưng không có sự chặt chẽ của bố cục như ở thế kỉ XV. Nếu nhận xét về góc độ tạo hình, thì thấy hoa cúc dây hiện nay, tuy tiếp nối tinh thần của hoa cúc truyền thống, nhưng sự sáng tạo mới đã mang tinh thần nhẹ nhàng, vui tươi, đơn giản hơn. Người thợ gốm có thể vẽ nhanh mà vẫn tạo được hiệu quả. Mô típ hoa sen không xuất hiện nhiều như hoa cúc và phần lớn thể hiện ở dạng cánh sen phần gần dưới đế bát, đĩa, bình, lọ.... Mô típ cánh sen gần như là mô típ cơ bản, gắn liền với nghệ thuật trang trí gốm. ở thế kỉ nào, người ta cũng thấy mô típ cánh sen cho dù gốm hoa lam đã bị suy tàn, chỉ còn là những những nét vẽ lam kết hợp với trang trí đắp nổi..., một hình thức trang trí của gốm Bát Tràng khá phát triển ở thế kỉ XVIII, XIX. Dạng hoa sen dây hầu như không thấy, mà chỉ có một bông sen đan xen với văn dây lá. Sen bông được vẽ theo lối hiện thực ít cách điệu ở dạng nhìn góc nghiêng hoặc nhìn thẳng, theo kiểu gần với biểu tượng hoa sen trên những tờ áp phích, nhưng lại được thể hiện khá đơn giản. Đặc biệt, mô típ hoa mẫu đơn ít có sự thay đổi, mà ngược lại, người thợ gốm Bát Tràng lại cố sao chép sao cho giống, từ kiểu dáng hoa đến cành lá. Tuy nhiên, nhiều chiếc bình vẽ hoa phù dung dù được vẽ cẩn thận và ngay cả thợ vẽ của một, hai lò gốm chuyên làm đồ giả cổ ở Bát Tràng, cũng không thể đạt tới độ nét vẽ mềm mại, điêu luyện như xưa được. Mặc dù hình vẽ giống, nhưng độ nhấn, buông của bút còn vụng về, độ lượn của những đường cong cành, lá vẫn không phải là một nét đưa liền mạch, đều tay. Có thể trước kia, người thợ gốm phải mất nhiều thời gian mới vẽ xong một chiếc bình. Còn ngày nay, du nhu cầu kinh tế, hàng thường sản xuất nhanh, thợ vẽ tay nghề cao có khả năng vẽ (hoạ tiết chính) được từ ba đến bốn cái bình cao khoảng 35cm đến 50cm trong một ngày. Vì vậy, khó lòng đảm bảo được chất lượng cao. Mặt hàng gốm vẽ tôm, cá và cây rong cũng là những mặt hàng được ưu chuộng. Mặc dù người thợ đã tiếp thu mô típ cá và rong của thời Lê sơ nhưng lại sắp xếp các hoạ tiết dàn trải trên bề mặt gốm, chứ không chỉ đưa vào bố cục tròn. Do được vẽ trên thành tách, hộp..., nên các mô típ này càng hiện lên như một cảnh thuỷ cung với những cây rong, bọt nước, tôm, cá và, đôi khi, thêm cả cua, mực đang bơi lội. Cách tạo hình được thể hiện hồn nhiên, ước lệ, vừa mang tinh thần học tập của cha ông, vừa sáng tạo thêm theo cảm quan, ghi nhớ hình và vẽ lại bằng những đường nét đơn giản. Dựa trên cách bố cục cá và rong, người thợ còn sáng tạo thêm bố cục cây khoai nước và chuồn chuồn, mang chất thôn quê, dân dã, nhẹ nhàng. Một số đường diềm phụ xuất hiện như: văn mây, văn ô trám, hình kỉ hà... Vì là hoạ tiết phụ nên người thợ thường vẽ nhiều nét phóng tác, nhất là văn kỉ hà được sáng tác thêm những đường nét mạnh mẽ mang tính hiện đại. Phần lớn tại các lò gốm, các hoa văn phụ để cho các thợ mới học việc vẽ, còn hoạ tiết chính thì để các thợ lâu năm, có tay nghề cao vẽ. Ngoài những mô típ trên ra, người ta vẫn thấy nhiều bình gốm lớn vẽ rồng, lân... nhưng chúng hoàn toàn mang phong cách của thế kỉ XIX hoặc sao chép của những bình gốm mới mang sang từ Trung Quốc. Mô típ tứ linh vẽ trên gốm đã xuất hiện trong suốt bốn, năm thế kỉ trước trở lại đây và, trong mỗi một giai đoạn, nó lại có những thay đổi. Đến thời Nguyễn, biểu tượng rồng đã mang phong cách rồng Trung Quốc, thể hiện tính chất vương quyền, Nho giáo một cách nặng nề với nhiều đường nét tạo hình rắc rối, rườm rà. Vì vậy, những bình lọ gốm vẽ rồng ngày nay hầu như rất ít bình đẹp, có lẽ do người vẽ gốm cho là phô diễn nét càng nhiều càng đẹp. Trong nhóm gốm hoa lam Bát Tràng kế thừa, tiếp thu mô típ trang trí truyền thống, không thể không đề cập đến những lò gốm làm giả cổ, dù rằng loại gốm này chỉ có sự kế thừa, sao chép lại hoàn toàn hoa văn truyền thống chứ không mang hơi thở cuộc sống mới. ở đây, người thợ gốm, sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu kĩ thuật của ông cha xưa, đã đúc kết được kinh nghiệm để sản xuất ra những hàng gốm giả cổ gần đạt tới màu men như đồ gốm cách đây bốn, năm thế kỉ. Còn hình dáng và hoa văn thì đơn giản hơn: chỉ cần dùng thợ lành nghề sao chép sao cho giống. Thực tế, do chép lại các mô típ hoa lá dễ hơn các mô típ tứ linh, con vật, phong cảnh, nên những người làm đồ giả cổ làm nhiều bình vẽ hoa phù dung, hoa cúc, phần lớn là những đồ gốm lớn để trang trí nội thất. Các lò gốm này thường làm theo đơn đặt hàng vì giá thành sản phẩm cao, mất nhiều công sức. Hiện nay, ở Bát Tràng, có một, hai lò gốm làm đồ giả cổ, như lò gốm của anh Trần Độ, anh Nguyễn Lợi... Họ là những người thợ gốm đã nhiều năm trong nghề và cũng phải mất nhiều năm mầy mò ra công thức làm men, tìm nhiệt độ nung thích hợp để đạt được màu men giống xưa. Muốn làm ra một sản phẩm gần như ý, ví dụ để có được chiếc bình hoa lam vẽ chích choè đạt được màu men trắng đục, men lam xanh đen gần giống gốm cổ của nghệ nhân Trần Độ, anh đã phải mất nhiều thời gian xử lí. Tuy nhiên, nhìn kĩ, chiếc bình vẫn không đạt được đến độ trong sâu của men và sự linh hoạt, sống động của đường nét tạo hình như những chiếc bình hoa lam thời Lê sơ. Những người chủ lò này luôn giữ kín các công thức chế men và kĩ thuật nung. Nhìn chung, họ có thu nhập cao và đều đặn hơn các lò sản xuất gốm hoa lam xuất khẩu. Qua những chuyến điền dã, khảo sát chúng tôi rút ra một số nhận xét sau: Những mặt hàng gốm hoa lam sử dụng và biến tấu từ mô típ trang trí truyền thống đẹp hơn loại gốm hoa lam sao chép hình thức trang trí của gốm Trung Quốc từ thế kỉ XIX đến nay. Trong sáng tạo, người thợ gốm Bát Tràng có cái nhìn hồn nhiên theo cảm tính, không chuyên nghiệp; họ sắp đặt các chi tiết vào với nhau theo ngẫu hứng. Vì vậy, nhiều mô típ như hoa cúc, cá và cây rong hay một số hoa văn kỉ hà có vẻ đẹp khiêm tốn, nhẹ nhàng và tinh tế, mang nét đặc trưng của gốm Việt Nam. Những đồ gốm hoa lam học tập truyền thống cho thấy, người dân nước ta vốn tính thực tế, luôn biết điều hoà trong việc sáng tạo, tiếp thu, truyền thống của cha ông xưa với hiệu quả kinh tế. Do vậy, sự sáng tạo của người dân, qua những đồ ứng dụng, mang một nét đặc thù riêng: đơn giản, tinh tế nhưng cũng cầu kì và luôn có tính công năng cao của những đồ ứng dụng. Việc tiếp thu những mô típ hoa văn truyền thống đã góp phần làm cho Bát Tràng tìm về nguồn cội xưa của mình, để khẳng định là một trung tâm gốm lâu đời đến nay vẫn giữ được khả năng sử lí kĩ thuật, sự tinh tế trong cách nhìn và những nét bút điêu luyện, mềm mại của người thợ gốm. Những người làm gốm hoa lam Bát Tràng hiện nay phô diễn được vẻ đẹp của gốm hoa lam trong sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, đưa được hơi thở cuộc sống mới với những nhu cầu, thị hiếu của con người hôm nay vào các sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu theo yêu cầu chủng loại, hình dáng đồ gốm của khách hàng: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan... đã làm cho mặt hàng gốm phong phú hơn, mang nhiều nét mới lạ, hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, điều đó cũng có tác động xấu ngược trở lại, dễ đưa gốm Bát Tràng mất dần nét đặc thù riêng, do bị phụ thuộc quá nhiều vào đơn đặt hàng nước ngoài, sản xuất theo mẫu mã của họ mà không khẳng định được những mặt hàng nhất định, có thương hiệu riêng của Bát Tràng. Hiện nay, những người thợ thủ công nói chung và người thợ gốm nói riêng ở nước ta, về tâm lí, thường chú ý nhiều đến giá trị kinh tế thu được hơn là đặt vấn đề giá trị thẩm mỹ của mẫu mã mỗi đồ ứng dụng. Vì thế, các mặt hàng thủ công cũng như đồ gốm ở Bát Tràng ít có vẻ đẹp hoàn chỉnh từ hình dáng đến trang trí, thường các mẫu mã được mặt này thì hỏng mặt khác. Nếu có những mẫu đẹp thì họ lại không biết lưu giữ để thời gian sau rút kinh nghiệm, phát triển những mẫu đó hoàn chỉnh hơn. Phần nhiều họ chỉ vẽ, làm theo sự ghi nhớ trong đầu và thói quen thị giác. Ngày hôm nay, những người thợ gốm Bát Tràng - một trung tâm sản xuất gốm lâu đời, đã tìm về với những mô típ trang trí của cha ông xưa, làm đẹp cho những sản phẩm gốm của quê hương mình. Sự khẳng định ấy đã mang đến cho gốm hoa lam truyền thống một sắc thái mới, đan xen giữa những mô típ cổ và hơi thở của cuộc sống hiện đại. Làm sao để Bát Tràng giữ được nét riêng trong những sản phẩm gốm của mình trước vòng cuốn của nền kinh tế thị trường và nhu cầu xuất khẩu gốm, theo mẫu mã của các nước cũng là một vấn đề lớn cần quan tâm. Trước tiên, để làm được điều này, người dân cần có ý thức gìn giữ, duy trì những sản phẩm truyền thống, cần có sự chọn lọc, sáng tạo mẫu mã, sản xuất và bán hàng một cách chuyên nghiệp hơn. Và, có như vậy những đồ gốm hoa lam mới sẽ lại tiếp nối, nói với các thế hệ con cháu mai sau về những gì đã, đang diễn ra của ngày hôm nay |