Nghiên cứu về làng gốm nổi tiếng Bát Tràng
Bát Tràng là một làng gốm lâu đời và nổi tiếng trong lịch sử nước ta. Làng gốm Bát Tràng nằm ở tả ngạn sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo các thư tịch cổ, nghề gốm Bát Tràng xuất hiện từ thế kỷ XV dưới thời Trần
Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên ghi: Bát Tràng có tên là Xã Bát, làng Bát từ đời nhà Trần. Như vậy, suốt hơn 500 năm nay, làng nghề này vẫn giữ tên là Bát Tràng. Trong lịch sử, những loại gốm quý và độc đáo của nước ta, nổi tiếng cả trong và ngoài nước như gốm men ngọc (thời Lý, Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối thời Trần - đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê - Trịnh) và gốm hoa lam (cuối thời Lê - thời Nguyễn) đều đã được sản xuất ở Bát Tràng. Từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn, một khối lượng lớn đồ gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaixia, Thái Lan và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Nhìn chung, đồ gốm Bát Tràng là một trong những mặt hàng được người nước ngoài ưa chuộng.
Bước vào thời kỳ đổi mới (1986 đến nay), trong cơ chế thị trường, nghề gốm của Bát Tràng không chỉ tạo công ăn việc làm trong xã, mà còn thu hút hàng ngàn lao động làm thuê từ các tỉnh khác đến, như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh... Những năm gần đây, xuất khẩu của làng gốm Bát Tràng đạt khoảng 20 triệu USD hàng năm. Hiện nay, Bát Tràng có hơn 200 công ty, xí nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ gốm.
Thời gian qua, nhiều khách trong và ngoài nước đến làng gốm Bát Tràng tham quan, tìm hiểu cách thức chế tác các sản phẩm gốm. Với nhiều khách du lịch, đó là cơ hội để có được những món đồ lưu niệm mang nhiều ý nghĩa kinh tế - văn hóa của một làng nghề truyền thống. Với doanh nhân, họ có thể tìm thấy ở đó những cơ hội đầu tư kinh doanh.
2. “Ôn cố tri tân” từ việc nghiên cứu làng gốm Bát Tràng xưa và nay
- Nghiên cứu làng nghề Bát Tràng truyền thống không chỉ góp phần dựng lại diện mạo kinh tế Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử mà còn giúp người dân Thủ đô và cả nước thấy được sự phát triển tiếp nối của nó theo tiến trình thời gian. Mặt khác, chính sự đa dạng của các sản phẩm văn hóa vật thể từ làng gốm Bát Tràng qua giao lưu kinh tế, yếu tố văn hóa đã lan toả góp phần tạo nên sức sống văn hóa của cả dân tộc và in đậm bản sắc văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Điều đó có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc và cũng là niềm tự hào của người dân Hà Nội về truyền thống lịch sử của mình.
- Nghiên cứu về làng gốm Bát Tràng trong lịch sử cần làm rõ nghề thủ công truyền thống tự nó đã bao hàm hai yếu tố cơ bản: truyền thống văn hóa và truyền thống nghề nghiệp. Những sản phẩm gốm được sản xuất ra đã mang tính cá biệt về phong cách của mỗi nghệ nhân và nét đặc trưng văn hóa của mỗi làng nghề, hay nói cách khác, yếu tố văn hóa tinh thần đã kết tinh trong văn hóa vật thể. Bàn tay tài khéo của thợ gốm Bát Tràng đã tạo ra những sản phẩm: độc bình, chân đèn, đôn, bình vôi, nậm rượu, choé, ấm... bằng gốm men ngọc, men rạn, men hoa lam... độc đáo. Những sản phẩm này được tạo dáng và trang trí với những con rồng, những hoa văn đắp nổi, khắc chìm hoặc trổ thủng với những màu sắc đa dạng. Men sử dụng trong chế tác các sản phẩm gốm có men trắng ngà cổ truyền và nhiều men màu khác. Trong chế tác, những nghệ nhân đã vẽ màu dưới men, giữa men, trên men nhằm tạo nên những sản phẩm độc đáo về màu sắc. Việc tìm đất, chọn nguồn đất nguyên liệu thích hợp, tạo các loại men từ tro, đất phù sa, đá màu, rỉ đồng, rỉ sắt, cùng sự cải tiến kỹ thuật lò nung đã thể hiện tài năng của những nghệ nhân và thợ gốm ở làng gốm Bát Tràng qua nhiều thế hệ.
Sản phẩm của nghề gốm truyền thống được tạo ra bởi các bí quyết sản xuất và đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo cao, được truyền từ đời này sang đời khác. Thực tế cho thấy, những sản phẩm gốm không chỉ là những vật phẩm kinh tế hay vật phẩm phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày của dân cư, nó còn là những sản phẩm mỹ nghệ, biểu hiện cho sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm văn hóa của dân tộc.
Sản phẩm của làng gốm Bát Tràng là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật. Các sản phẩm đó mang tính chất cá biệt, có sắc thái riêng, đặc trưng riêng của làng nghề và phản ánh được quan niệm thẩm mỹ, bản sắc văn hóa của người dân Bát Tràng. Những sản phẩm đó đã được thử thách qua thời gian, được chọn lọc, được thừa nhận để tồn tại và phát triển cùng với sự bổ sung lẫn nhau, trở thành những kiểu mẫu cho những sản phẩm cùng loại được sản xuất, chế tác tiếp sau đó. Thực tế, sản phẩm gốm thủ công nhiều khi lại khác hẳn bản mẫu. Người thợ giỏi, đặc biệt là nghệ nhân có thể tự do sáng tạo ngay trong quá trình tạo tác sản phẩm. Nghệ nhân, thợ cả ở đây vừa đóng vai trò là người quản lý, chỉ đạo sản xuất, vừa là người trực tiếp làm ra sản phẩm. Giá trị của mỗi sản phẩm gốm thủ công được khách hàng nhìn nhận chủ yếu dưới góc độ văn hóa, nghệ thuật. Các sản phẩm đó vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ cao.
Ở làng gốm Bát Tràng, trong sản xuất hầu hết đều sử dụng kỹ thuật truyền thống lâu đời với kỹ thuật sản xuất riêng, bao gồm nhiều công đoạn từ khai thác, chế biến nguyên liệu đến hoàn chỉnh sản phẩm để bán ra thị trường cho người tiêu dùng. Người thợ thủ công sản xuất hàng thủ công, trước hết từ mục đích kinh tế cho nên sản phẩm thủ công truyền thống tự thân đã là hàng hóa, nhưng bên cạnh đó, nó còn hội tụ những yếu tố nghệ thuật. Từ làng gốm Bát Tràng cho thấy, tuy đều sử dụng kỹ thuật chung của nghề nhưng từng công đoạn kỹ thuật thì mỗi người, mỗi nhà một khác. Thực tế, làng nghề nào cũng biết cách ứng dụng kỹ thuật chung ấy theo phương pháp riêng của mình. Riêng thủ pháp nghệ thuật thì còn đa dạng hơn nữa, nó tùy theo trình độ sáng tạo và kinh nghiệm của từng nghệ nhân. Điều đó giải thích tại sao làng nghề này không thay thế được làng nghề kia, hay mỗi nghệ nhân có những nét độc đáo riêng cho dù ở làng nghề đó, những nghệ nhân cùng làm một nghề, cùng chế tác một loại sản phẩm. Kinh nghiệm trong sản xuất, đặc biệt trong kỹ thuật và thủ pháp nghệ thuật của mỗi gia đình, dòng họ, của mỗi làng nghề thường nằm trong tay những nghệ nhân, những thợ cả được truyền từ đời trước sang đời sau.
Khi đất nước bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tính kế thừa, tính liên tục, tính phát triển sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết với quy trình sản xuất gốm ở Bát Tràng. Thực tế, trước khi có nền sản xuất cơ khí hóa và tự động hóa thì mọi sản phẩm được tạo ra bởi óc sáng tạo, bởi bàn tay của những thế hệ thợ thủ công với các loại công cụ lao động thô sơ. Có thể cho rằng, khi đó mọi giá trị vật chất và tinh thần đều là sản phẩm thủ công, được hội tụ ở các sản phẩm thủ công. Đến thời hiện đại, máy móc đã thay thế phần lớn sức lao động của con người song sản xuất thủ công cũng không mất đi, chúng tồn tại song song với công nghệ và sản phẩm hiện đại. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, với sự trợ giúp của máy móc, thiết bị hiện đại, sản xuất truyền thống càng có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh hơn. Nghề thủ công với những sản phẩm tinh xảo và “bàn tay vàng” của các nghệ nhân, của những người thợ thủ công vẫn có chỗ đứng, có vai trò quan trọng trong xã hội.
Do vậy, với các làng nghề truyền thống, cần chú ý bảo tồn một số công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo; đồng thời tập trung đổi mới phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc điểm sản xuất của các làng nghề.
- Nhìn chung, vai trò của nghệ nhân và thợ thủ công lành nghề đối với nghề và làng nghề là rất lớn. Không có nghệ nhân thì không có làng nghề, hay ít nhất cũng không có làng nghề nổi tiếng. Chính tài năng của những người thợ - nghệ nhân với những đôi “bàn tay vàng” của họ đã tạo nên những sản phẩm quý giá, tinh xảo, những sản phẩm văn hóa có sức sống lâu dài và tiêu biểu cho những nét độc đáo của làng nghề địa phương và của cả dân tộc. Chính những người thợ - nghệ nhân đã giữ cho làng nghề tồn tại và phát triển.
Vì vậy, cần có chính sách tôn vinh nghệ nhân, doanh nhân và những người thợ tài năng. Trong bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống ở nước ta hiện nay, việc khuyến khích những nghệ nhân, những người thợ tài năng dạy nghề, truyền nghề cho các thế hệ sau nhằm tiếp tục nuôi dưỡng ngành nghề truyền thống, góp phần tạo thêm những sản phẩm mới ngày càng đa dạng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng xã hội và xuất khẩu cũng là một cách thức tôn vinh những con người tài hoa ấy.
Đối với doanh nhân, về mặt xã hội, không thể nhìn nhận hoạt động của họ đơn thuần chỉ vì mục đích lợi nhuận, mà cần thấy ở đây lòng yêu nước, tính cộng đồng của tầng lớp doanh nhân mới. Do vậy, cần tạo môi trường an toàn, thuận lợi cho doanh nhân và doanh nghiệp có điều kiện phát triển. Các doanh nhân phải được tôn trọng, phải được đảm bảo những quyền cơ bản như hiến pháp đã quy định với doanh nghiệp và công dân để họ có thể phát huy tài năng, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Những lợi ích chính đáng của họ phải được Nhà nước bảo vệ, cống hiến của họ phải được xã hội tôn vinh. Thực tế, cần có pháp lý cụ thể để tạo lập môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, phải đảm bảo bốn yêu cầu. Đó là, phải nhất quán về quan điểm, chủ trương; phải đồng bộ giữa các khâu, các ngành quản lý nhà nước; phải ổn định trong thời gian dài để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kinh doanh; phải được cơ quan chức năng thi hành đúng đắn. Đó là cơ hội cho những doanh nhân tự khẳng định được mình và không ngừng vươn lên trong thương trường.
- Trong sự phát triển của làng gốm Bát Tràng, chợ làng xa xưa có ý nghĩa tích cực với đời sống làng, khi sản xuất hàng hóa phát triển nó sẽ phá vỡ tính biệt lập, khép kín về kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng làng xã, tạo điều kiện cho sự giao lưu kinh tế, văn hóa của làng nghề với các vùng khác. Chợ là sự phản ánh trình độ phát triển kinh tế và còn phản ánh cả yếu tố văn hóa - xã hội.
Thực tế cho thấy, việc tìm hiểu chợ quê đã được nhiều nhà xã hội học, khách du lịch cả trong và ngoài nước tiếp cận tìm hiểu ở nhiều khía cạnh như, tập trung vào việc tìm hiểu nguồn gốc xã hội của chợ quê; cấu trúc xã hội của các quan hệ thương mại và hành vi ứng xử của chủ thể kinh tế tại chợ quê; tìm hiểu những kiểu, mô hình hành vi kinh tế khác nhau trước tác động của những yếu tố can thiệp (giá trị xã hội, chuẩn mực, thể chế, tập quán, tâm lý xã hội...). Đặc biệt là sự vận động xu hướng phát triển của chợ đối với sự phát triển của các làng nghề truyền thống gắn với việc điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh tế trong hoạt động cộng đồng.
Những năm gần đây, ở Bát Tràng và một số làng nghề truyền thống, chợ làng đã phát triển thành những trung tâm thương mại - dịch vụ. Đó là kết quả của quá trình tự vận động dựa vào nội lực của cộng đồng và khi chính sách của Nhà nước hướng đến quá trình mở cửa nền kinh tế và phát triển thị trường nông thôn. Trong quá trình ấy, thương nhân và các chủ sản xuất đã nắm bắt được những cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh. Quá trình tham gia vào những quan hệ thị trường đã giúp cả thương nhân và người sản xuất đều hướng tới hành vi sản xuất kinh doanh hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Thị trường mở cửa, cùng với những luồng hàng hóa là những cá nhân hay nhóm kinh doanh bên ngoài xâm nhập vào chợ quê, chợ làng. Hàng hóa tại chợ giờ đây là sản phẩm của khắp mọi làng xã trong vùng, trong cả nước, hàng ngoại nhập... Điều đó đã dẫn đến sự cạnh tranh trên thương trường ngày càng gay gắt. Nhưng điều đó cũng chỉ dẫn cho cả người sản xuất và người buôn bán tiến hành đổi mới, cải tiến, phát triển và khai thác những sản phẩm mang đặc trưng của địa phương cung cấp cho thị trường bên ngoài, chủ động mở rộng quan hệ kinh doanh, khai thác những mặt hàng mới, có giá trị, hợp thị hiếu của người dân.
- Làng gốm Bát Tràng còn là môi trường văn hóa - kinh tế - xã hội có truyền thống lâu đời. Vì vậy, yếu tố văn hóa đậm nét của những sản phẩm gốm thủ công truyền thống đã tạo nên vị trí quan trọng của các sản phẩm này trên thị trường và trong giao lưu kinh tế quốc tế. Nó bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật được truyền từ đời này sang đời khác, hội tụ kinh nghiệm ở những thế hệ nghệ nhân tài năng với các sản phẩm mang bản sắc riêng của mình nhưng vẫn đậm tính tiêu biểu và độc đáo của dân tộc. Môi trường văn hóa làng nghề truyền thống với khung cảnh làng quê có cây đa, bến nước, con đò, có đình, chùa, miếu, mạo... cùng các hoạt động lễ hội, những phong tục tập quán, nếp sống mang đậm màu sắc dân gian đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của truyền thống văn hóa làng quê Việt Nam. Tất cả những cái đó đã tạo ra không gian văn hóa thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, từ những nhà nghiên cứu văn hóa, khách tham quan du lịch đến các thương gia trong nước và quốc tế.
Như vậy, làng gốm Bát Tràng còn ẩn chứa những tiềm năng du lịch rất lớn. Thực sự nó đã trở thành di sản văn hóa của dân tộc và hàm chứa những tiềm năng để mở mang phát triển du lịch và các hoạt động dịch vụ khác. Do vậy, việc xem xét và đánh giá những tiềm năng du lịch của các làng nghề truyền thống nói chung có ý nghĩa thực tiễn đối với sự tồn tại và phát triển của nó trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Kinh nghiệm cho thấy, để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch đối với các làng nghề cần có những biện pháp tác động tích cực từ phía Nhà nước. Đó là việc tiến hành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của làng nghề; sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý; sự gắn kết các hoạt động thương mại, du lịch, sản xuất của làng nghề đặt trong quá trình phát triển mang tính tổng thể của Hà Nội. Trong đó cần chú ý bảo lưu, phát huy nghề truyền thống gắn với những sắc thái văn hóa đa dạng của địa phương để tạo môi trường thuận lợi thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Tóm lại, trong thời kỳ đổi mới, làng nghề truyền thống Bát Tràng có nhiều lợi thế để phát triển. Sự phát triển của làng nghề sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thêm thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm mới làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội nông thôn. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề sẽ tăng thêm sức mạnh cội nguồn, để mỗi người Việt Nam yêu quý, trân trọng, giữ gìn di sản, bản sắc văn hóa Việt Nam và còn làm tăng những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội trong quá trình hội nhập quốc tế