Bát Tràng theo dấu gạch xưa
Về Bát Tràng hôm nay, khắp trong làng ngoài xã đều tấp nập gốm sứ, ít ai biết khởi thuỷ cho làng nghề truyền thống này là việc đóng gạch xây thành. Từ cả nghìn năm trước, những viên gạch Bát Tràng đã đặt nền móng đầu tiên cho một kinh thành mới: thành Thăng Long.
Nghệ nhân Trần Độ và viên gạch cổ.
“Già làng” Lê Văn Cảo, Chủ tịch hội làng nghề truyền thống Bát Tràng, tự hào kể: “Trước khi dời đô, vua Lý Thái Tổ đã cử dòng họ Nguyễn Ninh Trường (Ninh Bình) về Thăng Long chuẩn bị đóng gạch xây thành. Dòng họ này đã chọn Bạch Thổ phường (nay là Bát Tràng), nơi có loại đất sét trắng quý hiếm, lập xưởng”. Ông Cảo cho biết, sở dĩ dòng họ này chọn chất đất ở đây làm gạch vì khả năng chịu nhiệt và độ dẻo dai, săn chắc sau nung của nó.
Đặc tính này của đất Bạch Thổ đã giữ chân những thợ gốm "xứ bồ bát" (Tam Điệp, Ninh Bình) khi họ trên đường ra Thăng Long lập xưởng. Ông Cảo cho biết, trước khi đưa gốm vào nung, người xưa xếp 6 viên gạch tạo thành một hộp hình vuông, cho sản phẩm vào giữa để tránh bị bụi, muội và táp lửa. Thêm vào đó, nung gốm cần nhiệt độ cao, từ 1.300 đến 1.500 độ C, do đó chỉ có những loại gạch như Bạch Thổ mới đáp ứng được.
Quá trình nung đi nung lại tới cả chục lần khiến bề mặt gạch càng thêm đanh, chắc không ngấm nước và vì thế không một loại rêu nào có thể bám trụ. Rồi với bản tính cần cù, sáng tạo, người Bát Tràng lại tận dụng những mảnh gốm vỡ, đập vụn, trộn vào đất để làm gạch thêm “cứng cáp”. “Một đời gạch chở che cho biết bao đời gốm. Chẳng trách viên gạch rắn chắc như thỏi thép”, ông Cảo trầm ngâm nói.
Gạch Bát Tràng ở chùa Dâu.
Những viên gạch sau 7, 8 lần làm bao nung gốm đã đi khắp dọc dài đất nước để làm tăng thêm nét thâm nghiêm, cổ kính cho những khu lăng tẩm, cung điện, đình chùa. Gạch Bát Tràng có mặt từ thành Hoa Lư (Ninh Bình) đến Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Nó góp phần làm đẹp cho danh thắng chùa Hương (Hà Tây), chùa Dâu (Bắc Ninh), đền Thiên Hậu (Hưng Yên), lăng Đồng Khánh (Thừa Thiên Huế)…
Sân lát gạch Bát Tràng biểu hiện của sự giàu có, sung túc từng là niềm tự hào của biết bao những gia đình quyền thế. Vậy nên có chàng trai muốn làm xiêu lòng người con gái mình yêu mới nhắn nhủ: “Ước gì anh lấy được nàng/Để anh mua gạch Bát Tràng về xây/Xây dọc rồi lại xây ngang/Xây cầu bán nguyệt cho nàng rửa chân.”
Để ghi nhớ công sức trong việc góp gạch xây kinh thành Huế, vua Tự Đức đã phong tặng làng Bát Tràng danh hiệu: “Hiếu nghĩa quốc công”.
Gạch Bát Tràng trên sân Đại Bái Quốc Tử Giám (Hà Nội)
Nhưng từ những năm 90 thế kỷ 20, thợ gốm trong làng chuyển sang dùng lò gas an toàn và tiện dụng hơn. Gạch Bát Tràng vì thế cũng mai một dần.
Nghệ nhân duy nhất của Bát Tràng còn làm loại gạch này là anh Lê Thu Cẩm. Anh cho biết, ngày xưa các cụ nung tới chục lần do đó gạch già và có màu đẹp. Bây giờ, để tiết kiệm chi phí anh không làm như vậy mà tính toán kỹ từ khâu chọn đất, nhào phôi, tăng thời gian để chỉ cần một lần đốt lò gạch vẫn đạt chất lượng.
Đất dùng đóng gạch thường được mua ở Hà Giang, Bắc Ninh và Hải Dương, có hàm lượng nhôm lớn, có thể nung ở nhiệt độ cao. Sau khi mua về, anh Cẩm ngâm ủ đất khoảng 10 ngày cho tơi, bở. Sau đó anh nhào thành phôi, đem đóng thủ công bằng khuôn gỗ rồi phơi khô, đưa vào lò nung liên tục trong 25 ngày.
Làm được một viên gạch Bát Tràng công phu là thế nhưng thu nhập cũng không cao. Anh Cẩm cho biết: “Giá một viên gạch dù lên tới 10.000 đồng một viên, đắt hơn nhiều so với các loại gạch thông thường nhưng chi phí nhiều mà tiêu thụ ít nên chỉ sản xuất mặt hàng này theo đơn đặt hàng”.
Theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương,Viện Bảo tồn Di tích, gạch Bát Tràng có vai trò không nhỏ trong việc góp phần tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa của những di tích cổ. Chính vì vậy, việc thay thế nó bằng các loại chất liệu khác đang phá vỡ tổng thể kiến trúc cổ của các di tích này.