Còn ai “đóng” gạch Bát Tràng?
Cho đến bây giờ, khi tận mắt chứng kiến những viên gạch Bát Tràng cổ mới nhận ra rằng, cái sự “xoay dọc - xoay ngang” thực ra để chỉ cái tâm trạng rối bời của tác giả, bởi đơn giản, gạch Bát Tràng vuông chằn chặn, mỗi chiều đúng 30cm. Mà đã vuông vức thì cái sự “xoay dọc - xoay ngang” khó mà phân biệt và cũng chẳng để làm gì.
Giai thoại về “cuộc chiến” thương hiệu Một ông người Bát Tràng lên sống ở Hà Nội kể cho tôi nghe rằng làng Bát Tràng xưa có tên là làng Trường, chuyên làm bát, đĩa nổi tiếng - bát làng Trường. Người Việt có cái tính hay làm đơn giản nên gọi là bát làng Trường thành Bát Trường. Thế rồi do huý kị, chữ “trường” thành chữ “tràng” - kiểu Trường Tiền thành Tràng Tiền mà thành tên Bát Tràng nay. Thành thực, tôi không biết chuyện này có thật hay ông ta phịa ra để kể cho vui trong bữa nhậu vì khi về Bát Tràng hỏi, không ai biết cả. Thế nhưng, chuyện rắc rối này thì có thật. Xã Bát Tràng gồm hai làng, Giang Cao và Bát Tràng. Nếu đi dọc bờ đê sông Hồng từ Hà Nội về thì làng Giang Cao ở trên, làng Bát Tràng ở dưới. Trước đây, khi cái nghề làm gạch ngói gian nan, vất vả mà lợi nhuận thấp thì chẳng sao cả. Nhưng từ ngày làng nghề phát triển, cái thương hiệu Bát Tràng là cả một tài sản thì bắt đầu sinh chuyện. Giang Cao cũng cắm biển Bát Tràng (vì đúng là xã Bát Tràng), Bát Tràng cũng cắm biển nhưng khốn nỗi, làng Giang Cao ở trên nên khách đến thấy chữ Bát Tràng là vào giao dịch, mua bán. Vì thế, làng Giang Cao phát triển rất mạnh và sầm uất, “ông con thứ” có phần lấn lướt “ông con cả” đích tôn. Thế là kiện tụng nhau liền mấy năm trời và hình như đến nay chưa có hồi kết. Xem ra, việc kinh doanh có cả 1001 điều không ngờ tới. Bắt đầu chỉ là cái … khuôn Gạch Bát Tràng tuy rất nổi tiếng nhưng thực ra ban đầu, người làng Bát Tràng lại không chủ tâm làm gạch. Không phải chỉ bây giờ mà cả ngày xưa cũng vậy. Họ mua sét từ Dâu, Keo về pha với nước để lọc lấy đất tinh làm hàng cao cấp như bát đĩa, đôn chậu… Phần đất thô được đem trộn với những mảnh bát, mảnh sành vỡ (người dân ở đây gọi là “trăng cuội”) rồi đóng thành từng viên lớn để làm khuôn nung bát đĩa. Thực chất, gạch Bát Tràng là những cái khuôn của những mặt hàng cao cấp khác. Do được dùng nhiều lần, nghĩa là được nung đi nung lại, cái khuôn chống được nấm mốc. Sau này, gạch Bát Tràng nổi tiếng, nhu cầu tiêu thụ cao, người Bát Tràng mới nung gạch để bán. Ở các làng quê cổ Bắc bộ hiện nay vẫn còn rất nhiều con đường làng, sân đình làng được lát gạch Bát Tràng xưa. Người “đào đất, đốt giời” Doanh nhân Lê Thu Cẩm, ông chủ của cơ sở làm gạch với hơn 3000 m2 và hàng chục nhân công, hiện là người duy nhất còn lại ở Bát Tràng làm gạch theo lối cổ. Đất được dận (xéo) bằng chân, gạch được đóng bằng khuôn và nung bằng lò gạch cổ, đốt trâu. Nghĩa là Cẩm làm gạch như 7 - 8 đời trước đây cha ông anh đã làm để lót cho các lăng tẩm của Khải Định, Tự Đức, Minh Mạng… - Mỗi lò gạch (khoảng 4000 - 5000 viên), tôi đốt hết 100 tấn trấu. Cẩm kể - Vì vậy, giá thành khá cao. - Cao bao nhiêu ? Tôi hỏi. - Khoảng 8.000 đồng/viên. Trong khi đó, nếu làm mộc (gạch mộc) bằng máy và đốt bằng lò than như bình thường, giá thành không bằng một nửa. Đã thế, chu trình từ khi bắt đầu sản xuất đến khi ra thành phẩm phải mất 1/2 tháng để phơi (nếu gặp nắng), 1 tháng đốt liên tục trong lò, 1/2 tháng chờ nguội, vị chi là 2 tháng, nên khi có khách đặt trước tôi mới làm. Cẩm kể với tôi, dù là “hàng độc” nhưng do giá thành cao, lượng tiêu thụ không nhiều lại mất thời gian nên lời lãi chẳng bao nhiêu. Người làng tôi có câu: “Đào đất đốt giời - Muôn đời không khá”. Tôi giữ cái xưởng gạch này để phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích là chủ yếu. Với lại cũng để giữ cái nghề của cha ông. Có lẽ Cẩm nói đúng vì anh còn một số cơ sở làm các ngành nghề khác đang rất phát đạt. Và hình như tôi lại ngộ ra một điều, cái mạch ngầm gìn giữ văn hoá dân tộc không phải là ở những dòng chữ bóng nhoáng trên những trang giấy trắng phau, thơm phức mà thường lại ở nơi bùn đất, than tro với những con người “đào đất, đốt giời” như Cẩm. |