Khai mạc triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng - Cổ truyền và Hiện đại”
Khai mạc triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng - Cổ truyền và Hiện đại Nằm trong chuỗi sự kiện kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chiều 5/10/2010, tại xóm 1, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng - Cổ truyền và Hiện đại”.
Nằm trong chuỗi sự kiện kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chiều 5/10/2010, tại xóm 1, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng - Cổ truyền và Hiện đại”.
Triển lãm với 5 gian hàng lớn trưng bày, với hơn 1000 các sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng, đủ chủng loại, kiểu dáng, bao gồm các đồ gia dụng như bát, đĩa, bình, lọ, chóe… và các mặt hàng mĩ nghệ như đĩa treo tường, lọ hoa, con giống, tượng phiên bản với kĩ thuật và công nghệ cao.
Đặc biệt, nghệ nhân Lê Minh Ngọc (xóm 1, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) mang đến triển lãm lần này 2 sản phẩm gốm với kích thước lớn nhất là chóe đại (chiều cao2,4m; đường kính 1,35m) và lọ lục bình ( chiều cao 3,2m; đường kính 1,02m).
Đồng thời, triển lãm có hơn 20 gian hàng nhỏ trưng bày, tái hiện lại nghề thủ công truyền thống của những làng nghề gốm, sứ khác như gốm Chu Đậu, Phù Lãng, Đông Triều, Kim Lan… cùng các làng nghề tiêu biểu khác như làng nghề nón Nón Chuông, làng nghề mĩ nghệ Qua Thuận, làng giáp vàng Kiêu Kỵ… tạo nên qui mô của cuộc triển lãm lần này.
“Gốm, sứ Bát Tràng đã có mặt hầu hết trong các triển lãm về gốm, sứ trên cả nước nhưng đây là lần triển lãm đầu tiên của gốm sứ Bát Tràng tại chính nơi đã sinh ra nó, với qui mô lớn, khá đa dạng, phong phú” - nghệ nhân Lê Minh Ngọc cho biết.
Triển lãm nhằm giới thiệu về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển làng nghề từ thế XIV-XV đến nay và giới thiệu nghề gốm sứ truyền thống của làng Bát Tràng xưa và nay.
Đồng thời, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật, các nghệ nhân, thợ thủ công thông qua các sản phẩm tinh xảo, độc đáo được kết tinh từ tâm hồn, sự sáng tạo và từ đôi bàn tay tài hoa, cần mẫn của người thợ.
Cùng đó, triển lãm nhằm thu hút các nguồn lực, phát triển du lịch bền vững, tiếp tục hình thành các mô hình, tuyến, điểm du lịch, kết hợp với làng nghề truyền thống đi đôi với việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì phát triển, mở rộng hội nhập quốc tế, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.