Giỏ hàng

Làng gốm Thổ Hà

Cách Hà Nội hơn 40km, khác với làng gốm Bát Tràng buôn bán sầm uất, làng gốm Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) nằm êm đềm bên con sông Cầu. Bước chân vào tới đầu làng, ấn tượng đầu tiên của Thổ Hà là sự mộc mạc, chân chất. Những con đường nho nhỏ, những mái ngói cổ và những bức tường trần với màu nâu đỏ mộc mạc.... tất cả đều gợi lên sự yên bình.

Nghề gốm, một nghề thủ công cổ truyền đặc sắc của Thổ Hà không kém phần nổi tiếng so với gốm Bát Tràng, Hà Nội. Theo lời kể của bác Trịnh Đắc Tân, một người con của làng Thổ Hà và cũng là một nghệ nhân làm gốm Thổ Hà có tiếng thì nghề gốm nơi đây có từ thế kỉ XIV. Để có thể tạo ra được các loại sản phẩm rất bền đẹp như chum, vại, kiệu... màu nâu sẫm, màu da lươn, người ta phải mua đất sét từ Choá (Yên Phong) cách xa gần 10 ki-lô-mét, hoặc mua đất sét ở Xuân Lai, cách 12km và phải chở qua sông rất vất vả. Đó là loại sét vàng "lõi mít", sét xanh "búp o­ng", ít sạn và tạp chất có đặc tính dễ tạo hình và định hình khi nung ở nhiệt độ cao. Cũng nhờ vậy mà Thổ Hà có thể tạo ra các sản phẩm cỡ lớn với dung tích 400-500 lít được nhân dân ta mua dùng nhiều. Xưa kia nghề gốm đã giúp người dân Thổ Hà trở nên giàu có nhất nhì vùng Kinh Bắc. Nhịp sống của làng gốm rất sôi động. Tinh mơ chợ gốm đã họp ở đầu dốc. Những đoàn xe thồ, gánh hàng rong... từ các nơi dồn đổ về. Hàng bày la liệt, chất ngất đủ kiểu, màu sắc, loại men... tha hồ lựa chọn. Cũng nhờ làng nghề phát triển mà người dân Thổ Hà đã xây được rất nhiều từ chỉ, điếm, đình và chùa. Còn người dân các làng lân cận như: làng Giềm, Đại Lâm thường kéo nhau sang bên Thổ Hà làm thuê... Thế nhưng, khi đồ nhựa ra đời thì người làng Thổ Hà không tìm được đầu ra cho sản phẩm, lượng gốm tiêu thụ giảm đi đáng kể và cứ thế gốm mất dần thị trường và Thổ Hà cũng bị mai một dần nghề cổ truyền... Giờ đây người ta nhắc tới Thổ Hà bằng cái tên mới : Làng làm bánh đa nem. Với những người say mê phong cảnh hữu tình của làng Việt, với những nghệ sĩ, nghệ nhân muốn tìm cảm hứng sáng tác thì làng gốm cổ Thổ Hà luôn là điểm đến đầu tiên. Bởi Thổ Hà là một ngôi làng còn lưu giữ được nhiều nét cổ xưa của một làng nghề miền Bắc Việt . Hình ảnh đầu tiên gây cảm xúc cho chúng tôi khi đặt chân đến nơi đây là những con đò đơn sơ đậu bên bến nước với những cây si già buông chùm rễ dài xù xì xuống dòng sông. Lũ trẻ làng vắt vẻo trên cành cây, tiếng cười đùa lanh lảnh lan tỏa trên mặt nước. Ngay trên bến có một ngôi đền cổ thờ Thành Hoàng. tường gạch rêu phong. Ông tổ của nghề gốm làng Thổ Hà được cho là tiến sĩ Đào Trí Tiến. Ông đã học được nghề gốm trên đường đi sứ Trung Quốc và truyền lại cho dân làng từ thế kỷ XIV. Cạnh ngôi đền là một quán nước nhỏ, bàn ghế gỗ cũ kỹ trên nền đất lồi lõm. Bà chủ quán mái tóc bạc phơ, hiền hậu, ngồi nhai trầu bỏm bẻm như trong truyện cổ tích. Những con đường trong làng nhỏ hẹp và đều được lát bằng thứ gạch đỏ truyền thống đã mòn vẹt vì thời gian. Nhà cửa san sát, mái ngói nhuốm màu rêu phong. Những bức tường không trát vữa, có chỗ chỉ là những viên gạch, ngói nung hay tiểu sành được xếp chồng lên nhau theo tầng, theo lớp, tạo nên một sự độc đáo trong xây dựng. Cổng làng, đình, chùa nơi đây mang dáng dấp, màu sắc cổ xưa và hầu hết đều được xây bằng gạch thô không trát vữa... Cổng làng Thổ Hà bề thế với lối kiến trúc cổ kính, trầm mặc mà dân dã được làm từ đôi bàn tay của những nghệ nhân dân gian của làng, thể hiện sự thịnh vượng của nghề gốm xưa kia. Đình làng Thổ Hà được dựng năm 1692, đây là công trình văn hoá được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Hoa văn rồng phượng ẩn hiện trong mây hài hoà cùng người và cỏ cây, hoa lá, muông thú còn ghi lại dấu ấn bàn tay tài hoa của người thợ khắc. Theo tấm bia cổ để lại, đình Thổ Hà là kết quả công sức đóng góp của toàn thể dân làng Thổ Hà. Ngôi đình là công trình thể hiện niềm tự hào của các thế hệ người dân Thổ Hà. Chùa Thổ Hà có tên chữ là Đoan Minh tự được xây dựng vào năm 1679, quy mô lớn, bao gồm tam quan, gác chuông và tiền đường. Tam quan chùa nằm sát sau đình. Qua Tam quan một quãng xa mới tới gác chuông, phía trước có hai sấu đá, bên phải là bia chùa. Gác chuông và tiền đường được chạm trổ lộng lẫy với các đề tài rồng mây, hoa lá. Trong chùa có tượng Phật Quan Âm ngồi tòa sen trên một bông hoa to hơn, lại đặt nghiêng trên một bông hoa đang nở, hai bên có hai người đỡ và dưới cùng là một gốc cậy vững chãi… Hoàng hôn buông xuống, ánh nắng vàng soi nghiêng, những vòm cổng, những ngôi nhà, ngôi chùa cùng ngôi đình cổ kính, những bức tường được xây bằng gốm nung được chiếu vào toát lên vẻ đẹp vàng, đỏ in dấu vết của thời gian. Vẻ đẹp cổ kính ở những khu kiến trúc cổ, làng cổ cùng với những nghề in đậm hồn quê, Thổ Hà đang là một địa chỉ quen thuộc và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Facebook Youtube Top