Giỏ hàng

Ngàn năm, một Bát Tràng

Nắng chiều chênh chếch in trên tường nhà, tấm lưng còng, gầy mỏng của người nghệ nhân già, khiến tôi hình dung thước đo thời gian và gánh nặng một đời đam mê với nghề của những người thợ làng gốm. Phải chăng, chính điều đó đã làm nên sự thăng hoa của nghề - từ cổ chí kim, ngàn năm có một?

Ngàn năm Bát Tràng có một

 -> Du lịch Bát Tràng ( xem chi tiết )

 
1. Tôi tìm đến ông Lê Văn Cảo - một trong những nghệ nhân, đồng thời là Chủ nhiệm CLB làng nghề gốm Bát Tràng qua giới thiệu của Chủ tịch HĐND xã Bát Tràng - anh Đào Quang Lại.

Nắng chiều chênh chếch in trên tường nhà, tấm lưng còng, gầy mỏng của người nghệ nhân già, khiến tôi hình dung thước đo thời gian và gánh nặng một đời đam mê với nghề của những người thợ làng gốm. Phải chăng, chính điều đó đã làm nên sự thăng hoa của nghề - từ cổ chí kim, ngàn năm có một?

 

Ông Cảo tìm trong bộ sưu tập đồ gốm của gia đình, chọn lấy một chiếc lọ, đôi mắt nhíu lại để “soi” hoa văn mới được in trên sản phẩm, miệng say sưa:

 

- Lọ gốm này thuộc “dòng” mới, mang phong cách “tây”, từ màu thuốc đến cánh hoa, không cầu kỳ nhưng vừa kỹ xảo, vừa bình dân. Ấy, chính vì tính bình dân nên gốm Bát Tràng luôn phát triển. Cụ Vũ Khiêu trong lần về thăm đã tặng xã chúng tôi bài minh chung (khắc trên chuông lớn ở đình làng), trong đó có câu “Gốm Bát Tràng mỹ lệ cao siêu. Dân Bát Tràng thông minh, tài tú” đề cao Bát Tràng như thế!

 

Nói như ông Cảo, nghề làm gốm đã “ăn” vào máu, từ cha sang con, từ người nọ sang người kia; đã là người Bát Tràng ai cũng biết làm nghề, chẳng có sách vở nào dạy, chỉ bằng sự nhạy cảm, tinh tế của năng lực thẩm mỹ và sự khéo léo điêu luyện của đôi tay. Giỏi hay không lại ở sự lao tâm khổ tứ với nghề của mỗi người mà thành. Với ông cũng vậy. Quả thực, không giống nghề khác, làm gốm theo từng công đoạn, mỗi người “tinh” một việc.

 

Thợ chuốt, đa số là phụ nữ; thợ đun lò thường là cánh nam nhi không chỉ khỏe, mà phải khéo khi đun, lửa “tưới” đều trên sản phẩm, đến khi ánh sáng trắng thì mới lấp cửa lò; đun quá lửa, sản phẩm giòn, dễ vỡ, hoặc bị rạn. Thế là lỗ, là “âm”. Nhưng đã là chủ lò, phải tinh thông tất cả, từ khâu luyện đất sao cho dẻo, đến tạo hình (chuốt, nặn, đổ khuôn), sửa, tiện, vẽ, nhúng men và cuối cùng là đưa vào lò - để có thể dạy thợ. Mà, ở làng gốm đây, thợ giỏi nghề có nhiều lắm. Thế nên nghề làm gốm mang tính cộng đồng, người này làm hỏng, người khác hỗ trợ sửa sang lại. Điều này lý giải vì sao từ vài dòng họ cách đây nghìn năm, nay Bát Tràng có hơn hai mươi dòng họ, cả làng cả vùng biết nghề. Buôn bán có bạn, có phường, không khi nào Bát Tràng thất bát…

 

 

Festival làng nghề truyền thống toàn quốc vừa diễn ra tại Cố đô Huế (từ ngày 10 đến 16-6) với sự tham dự của hàng trăm làng nghề trong cả nước. Hơn 20 nghệ nhân và thợ giỏi của xã Bát Tràng đem theo hàng nghìn sản phẩm tới Huế để quảng bá. Sở Công thương Hà Nội tài trợ toàn bộ kinh phí chuyên chở và thuê điểm bán hàng cho đoàn. Ban Tổ chức Liên hoan bố trí cho đoàn một căn nhà rộng gần 200m2 làm nơi trưng bày, thao diễn và tôn vinh nghề. Các sản phẩm như bình hoa, thạp hoa, chậu, đỉnh, bát hương, lọ… rất "ăn khách".

Nghề “thổ mộc”, suốt ngày “nghịch” đất, “người dương làm nghề âm”, qua lời kể thợ gốm Bát Tràng thì cực nhọc lắm mới luyện từ hòn đất vô hồn thành vật dụng giá trị. Thời tiết mưa nắng thất thường, đang phơi, đang đun, ngộ gặp mưa là xui xẻo, vừa tốn than củi, vừa kém chất lượng. Hỏng, lỗ chẳng biết đâu mà tính. Gốm muốn đẹp, muốn bền, lại phụ thuộc vào chất đất nữa; phải là đất sét ven sông Hồng, màu đất xanh sẫm, sậm đỏ, hoặc trắng, độ dẻo cao, chịu nhiệt tốt. Và đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi vì sao gạch, gốm Bát Tràng lại đặc biệt hơn nơi khác và muôn đời thăng hoa - là thế!

 

2. Thì ra Bát Tràng là một làng khoa bảng nổi tiếng. Cùng với làng nghề cổ truyền có tuổi ngàn năm, làng khoa bảng Bát Tràng được sử sách lưu truyền, vinh hiển.

 

Văn chỉ của làng thờ Trạng nguyên Giáp Hải - một trong 6 vị trạng nguyên đất Thăng Long văn võ song toàn và 9 vị tiến sỹ (lưu danh ở Quốc Tử Giám) cùng 364 vị tiên nho tiên hiền của Bát Tràng. Câu đối còn lưu giữ ở đây: “Ngũ hành tú khí chung anh kiệt/Vạn trượng văn quang biểu cát tường” (Khí trời tụ hội tại nơi đây sinh nhiều anh kiệt. Tiếng thơm văn hiến lưu danh mãi mãi) đã nói rõ Bát Tràng là một làng khoa bảng nổi tiếng. Trên tam quan cổ kính cũng khắc ba chữ “Ngưỡng di cao”, ý nói sự học mênh mông, cao vời vợi. Tự hào về quê hương văn hiến, làng nghề cổ truyền, đời nối đời, con em Bát Tràng làm đẹp thêm truyền thống bằng sự học và bằng cái tâm giữ nghề.

 

Trong ngôi đình làng có đôi câu đối của tiền nhân: “Bạch Bát chân truyền nê tác bảo/Hồng lô đào chú hổ thành kim” (Từ làng Bồ Bát mang nghề ra đây, biến bùn đất thành vật quý. Luyện qua lò lửa đỏ, đất thành vàng).

 

Bằng chứng là năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về Thăng Long - Hà Nội, việc xây thành quách, cung điện, đền đài, nhà cửa, cần nguyên vật liệu. Thợ giỏi khắp nơi được vua ban chiếu vời về kinh thành; trong số đó có dòng họ Nguyễn Ninh Tràng ở Vĩnh Ninh và Tràng Yên (thuộc Ninh Bình) đến lập nghiệp. Vùng Bát Tràng nhờ đó mà nhanh chóng hình thành, phát triển và tiếng tăm. Suốt cả rẻo đất ven sông Hồng khi đó hoang hóa, có tới 72 gò đất sét trắng - một nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất gạch và gốm. Phường Bạch Thổ (đất trắng) được lập ra, kéo theo nhiều dòng họ khác từ Bồ Bát và Vĩnh Ninh, Tràng Yên ra lập nên làng xã. Vào cuối đời Trần, phường Bạch Thổ đổi thành xã Bát, sau này là Bát Tràng. Khi đông nhất, Bát Tràng có tới hơn hai mươi dòng họ, trở thành “kinh đô” gạch gốm từ đấy và được các triều đại phong kiến cho “độc quyền” sản xuất, cung cấp các sản phẩm cho cung đình và phục vụ công việc ngoại giao. Cụ Tổ họ Nguyễn Ninh Tràng được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng, được phong Đức thánh Cả, thờ ở đình Bát Tràng. Ngày hội làng hằng năm (trung tuần tháng 2 âm lịch), đã thành quy định, kiệu rước của họ Nguyễn Ninh Tràng đi giữa, các dòng họ khác đi hai bên.

 

Gốm Bát Tràng thăng hoa từ thời Trần. Trong tộc phả họ Trần Đông Cục, có ghi: Ông tổ họ Trần là một trong 12 thợ cả cùng các họ khác được vua điều ra phường Bạch Thổ sản xuất gạch xây thành quách ở kinh đô, sau lại làm cả đồ gốm. Trong một tác phẩm để đời, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã viết, mỗi năm Bát Tràng cung cấp cho cung đình 72 bộ đồ gốm làm vật ngoại giao…

 

Hàng nghìn năm nay, gạch gốm Bát Tràng đã đi vào thi ca và là niềm tự hào của dân tộc, ước nguyện hạnh phúc của lứa đôi: “Ước gì anh lấy được nàng, để anh mua gạch Bát Tràng về xây”… Ở những nơi tôn nghiêm như Hoàng thành, Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Hùng, đền Gióng, hay cung đình Huế, vật liệu trang trí (gạch, gốm) đều do Bát Tràng làm ra. Cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng trong một lần về Bát Tràng đã nhận xét, 1000 năm rồi mà gạch xây Hoàng Thành vẫn đỏ au, móng đào sâu như thế mà không rêu phong, thật quá tuyệt vời...

 

Một trong những người được xem là nhà thư pháp, viết chữ Hán đẹp nhất nhì và để lại nhiều hoa tay trên các tác phẩm gốm Bát Tràng bây giờ là một thợ gốm lành nghề - anh Nguyễn Đức Lợi, 55 tuổi.

 

- Gặm nhấm của tiền nhân mấy hạt tấm, gọi là biết thôi!

 

Anh khiêm tốn trước lời giới thiệu của người dân Bát Tràng. Nhưng nhìn người thợ giỏi hằng ngày vẫn cắp sách vào nội thành học thêm Hán Nôm, đủ thấy, với anh học chẳng bao giờ thừa. Đáng quý hơn - nói như anh, học chính là giúp cho dân làng gốm, cũng là để cho tay bút thêm phóng túng trên những sản phẩm gốm Bát Tràng. Những trang sức đeo bằng gốm, khắc chữ Nho bay bổng, bày bán ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, hoặc tại các trung tâm văn hóa, chính là sản phẩm của anh. Anh gọi “bộ chữ tinh hoa” của mình là “quà tặng thay lời nói”, để gửi đến mọi người chữ “trí”, “đức”, “tâm”, “tài”, làm đẹp hơn cuộc sống hôm nay. Trên những sản phẩm gốm Bát Tràng, thường có đôi câu đối “Hòa hợp âm dương sinh bảo vật/Chấn hưng nghiệp tổ kết tinh hoa”, hoặc dòng lưu niệm được viết bằng thư pháp nét phóng khoáng, bay bổng. Trong đó có nét chữ tài hoa của những người thợ giỏi như anh…

 

Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Bát Tràng, làng nghề cổ truyền có rất nhiều đời nghệ nhân, nổi tiếng như các cụ Lê Văn Vấn, Lê Văn Cam...; tuổi trên dưới năm mươi có các nghệ nhân - đồng thời là chủ doanh nghiệp, có nhiều tác phẩm gốm nổi tiếng, kinh doanh phát đạt như Trần Độ, Vũ Văn Thắng, Vương Anh Tuấn, Phạm Tuấn Khang và nếu đếm số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thì ở Bát Tràng có hàng trăm; “tên tuổi” như các công ty Quang Vinh, Minh Hải, Thành Công… giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động vệ tinh xung quanh vùng, với mức thu nhập hàng tháng từ 1 đến 2 triệu đồng.

 

3. Qua cầu Chương Dương, ngoẹo phải, trải dọc ven đê sông Hồng là xã Bát Tràng (Gia Lâm), gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao với 1.721 hộ. Nghề gốm phát triển mạnh ở cả hai thôn. “Phố” làng với cơ man sản phẩm làng nghề bày biện, hút khách; sâu vào làng, trong từng ngõ nhỏ là hàng trăm xưởng gốm. Làng nghề sầm uất, thăng hoa đấy, nhưng chật chội.

 

Niềm tự hào đi cùng trăn trở - là tâm trạng của người làng gốm Bát Tràng hôm nay.

Bát Tràng không chỉ có nghề gốm sứ cổ truyền, một làng văn hóa khoa bảng, mà còn là làng cách mạng. Năm 1958, Bát Tràng đã hiến quá nửa đất làng, người dân tự nguyện dỡ hơn hai trăm lò gốm cổ đang làm ăn phát đạt, để Nhà nước thực hiện công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Căn nguyên của sự chật chội bây giờ, một phần là thế. Phần khác, sự phát triển của làng nghề chẳng khác gì chàng trai đang độ tuổi trưởng thành mà tấm áo hẹp không thể nới thêm.

 

Những con số biết nói do Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Đào Xuân Trường cung cấp (thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người/năm; tổng thu toàn xã (năm 2008) đạt 226 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp chiếm 84%, thương mại dịch vụ chiếm 15%, chỉ có 1% là các ngành nghề khác; tổng thu ngân sách xã trên 4,1 tỷ đồng...) đã giúp chúng tôi tin rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu hầu như không ảnh hưởng tới sự phát triển của làng gốm vốn đã có tuổi ngàn đời. Song điều đó cũng nói lên thực tế, đã đến lúc phải tìm cách nới rộng chiếc áo cho làng nghề.

 

Nói như Chủ tịch HĐND Đào Quang Lại, thì để xây dựng thương hiệu, không thể “gặm nhấm” tinh hoa cũ, mà vừa phát huy, vừa sáng tạo mẫu mã mới, hợp thị hiếu khách hàng. Trong cách nói của anh, tôi chợt nhận ra những day dứt, một lúc nào đó, nét tinh hoa của nghề bị mai một? Và nữa, các dự án triển khai tại Bát Tràng hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hiện vẫn còn dang dở. Dự án cảng du lịch đang thi công nhưng tiến độ chậm; dự án Trung tâm văn hóa làng nghề Bát Tràng và dự án Bảo tồn nhà cổ của làng nghề (giai đoạn 2010- 2019) còn xa vời.

 

Ông Lê Văn Cảo thì trăn trở, điều kiện để phát triển không thiếu, đó là con người tài nghệ, nguyên vật liệu (đất, đất trắng) tưởng khó khăn nhưng nay đã có thể đưa từ các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Phú Thọ về và rồi đây sản phẩm gốm Bát Tràng trắng tinh sẽ không thua kém hàng ngoại… Nhưng thiếu trầm trọng là mặt bằng cho làng nghề phát triển, mở rộng dịch vụ thương mại, du lịch. Sự chật chội, bí bách của làng đã ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân. Những trăn trở này, Bát Tràng đã đề nghị với lãnh đạo thành phố và vẫn chờ đợi những giải pháp tháo gỡ khó khăn…

Facebook Youtube Top