Người làm hồi sinh gạch Bát Tràng
“Gạch Bát Tràng chảy vào huyết quản rồi, không rứt ra được. Đến chết tôi cũng muốn… ôm lấy gạch Bát Tràng”. Đó là lời tâm sự của anh Lê Thu Cẩm, người con của làng Bát Tràng".
“Tôi là anh thợ đốt lò"
Về đất Bát Tràng, hỏi anh Lê Thu Cẩm làm nghề nung gạch, hầu như ai cũng biết. “Chị cứ đi qua bãi tha ma rồi rẽ phải là lò gạch của ông Cẩm. Cả làng giờ chỉ còn mình ông ấy làm gạch”, người phụ nữ bán mía bên vệ đường cho hay.
Đón chúng tôi là hai “thành lũy gạch” xếp chồng lên cao như thành Tơ-roa. Phía trong, ba lò gạch như những lô cốt đang nhả khói. Ngôi nhà nhỏ được cất bằng gạch trông giống như một ngôi nhà cổ thời Gia Long. Quần kaki, áo carô đã bạc màu, không thể ngờ đây lại là ông chủ một tháng thu về mấy trăm triệu. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gạch, học xong lớp 7, anh ở nhà phụ giúp gia đình. Nhưng rồi, cơ chế thi trường và trào lưu làng xã đã buộc gia đình anh chuyển sang hướng sản xuất khác: làm Gốm. “Thời đó, cả làng đều làm gốm nên làm gạch cũng chẳng được là bao nhiêu, tôi chuyển sang tự do kinh doanh sản xuất gạch men, gương kính, sứ xuất khẩu”, anh nói. Năm 1986 anh lập gia đình với chị Nguyễn Thu Thủy.
Năm 1987, anh nhận thầu toàn bộ vùng đất cát cung cấp vật tư cho gạch Bát Tràng. Công việc đang xuôi chèo mát mái thì anh được tin ở Phú Thọ có đất tốt, lãi suất cao. Anh ồ ạt đầu tư, xây tặng cả trường học, trụ sở ủy ban nhân dân nhằm “lấy lòng” địa phương. Trong quãng thời gian đó, mỗi ngày, vợ chồng anh bán 2-4 cây vàng để thuê ô tô chở đất về. Nhưng đất không hợp độ nung, chất lượng không đảm bảo nên cuối cùng anh thất bại. Trắng tay, vợ chồng anh lại lặn lội vào Sài Gòn buôn hóa chất, phục vụ làng nghề, quyết tâm góp vốn làm lại từ đầu.
Năm 1990, khi trong tay đã có kha khá vốn liếng, anh chuyển sang làm gạch xuất khẩu. Nhưng một lần nữa anh chị lại thất bại vì cái “gu” họ thích không giống mình. Hàng ứ đọng, 200 cây vàng đội nón ra đi. Cùng thời gian đó, anh bị tai nạn xe máy suýt chết, nằm viện gần một năm trời. Ra viện, những tưởng anh sẽ bỏ nghề “tận khổ” này, nhưng “không được làm gạch, tôi thấy bứt rứt tay chân thế nào ấy. Chở than đi bán mà tôi cứ ao ước đây là gạch Bát Tràng”.
Năm 1993, tình cờ một ông khách người Pháp đến đặt hàng mua gạch Bát Tràng kiểu cổ. Anh chợt nghĩ: người nước ngoài người ta còn biết đến, còn dùng gạch Bát Tràng, tại sao người Việt Nam lại không sản xuất, không dùng?
“Còn trùng tu là còn gạch Bát Tràng”
“Bây giờ về các di tích lịch sử, đền chùa, hầu như nơi nào cũng có mặt gạch của tôi. Bậc tam cấp lên chùa Hương (Hà Tây), chùa Dâu (Bắc Ninh)...là gạch của tôi đấy. Mỗi ngôi chùa, ngôi đền tôi đều làm theo một kiểu khác nhau, làm sao hợp với không gian”- anh Lê Thu Cẩm tự hào khoe.
Anh chia sẻ: ngoài việc chọn đất, ngâm ủ, nhào trộn cho phù hợp với độ chín thì công việc khó nhất là phối liệu. Không thể làm chùa cổ mà nung thành gam màu sáng chói được… Để một viên gạch thành phẩm phải đi mua đất ở tận Bắc Ninh, Hải Dương, nơi đất có hàm lượng AL lớn, có thể nung ở nhiệt độ cao rồi đem về ngâm ủ khoảng 10 ngày cho đất tơi, bở. Sau đó nhào thành phôi, đem đóng thủ công bằng khuôn gỗ. Gạch mộc (gạch chưa nung) phơi nắng có khi tới cả tháng mới khô kỹ. Phơi cũng phải rất cẩn thận để gạch không bị cong vênh. Đưa gạch vào lò, nung bằng trấu liên tục trong 25 ngày mới thành phẩm.
Chỉ tay về phía những hàng gạch mộc đủ mọi kích cỡ đang phơi chờ nung, anh Cẩm tâm sự: “Muốn giữ vốn cổ thì làm, chứ sản xuất gạch Bát Tràng thôi thì không đủ sống. Viên gạch đắt, dân mình ai đủ tiền dùng? Xây bằng gạch máy công nghiệp rẻ hơn, đều và phẳng. Chỉ có các khu di tích, đền chùa, khi cần trùng tu người ta mới tìm đến đặt hàng. Lúc đó mới sản xuất gạch cổ. Chủ yếu mình phát triển được nhờ vào sản xuất gạch chịu lửa, gạch xây không trát… Kết hợp cả hai thứ, vừa bảo vệ vốn cổ, vừa sống được… Còn di tích lịch sử, còn trùng tu là còn đất sống cho gạch Bát Tràng”.