Người say mê giữ nét gốm cổ Bát Tràng
Là một chủ lò gốm nhưng ông Quỳnh không tất bật với công việc sản xuất, kinh doanh. Người "nghệ sỹ" tay ngang này tự nhận mình là người yêu mến cái đẹp của quê hương. Dù chỉ là một mái đình cong cong uốn trong ráng chiều đỏ rực, nét mặt thuần phác của con người làng gốm
Ở làng gốm cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội có một ông chủ lò gốm suốt ngày thủng thẳng với chiếc máy ảnh đi ngao du, ghi lại những hình ảnh về cuộc sống, con người, phong cảnh... ở đây, đó là ông là Phạm Lâm Trúc Quỳnh, chủ gallery "Bát Tràng qua hình ảnh". Khi chúng tôi tới thăm làng gốm cũng là lúc ông Phạm Lâm Trúc Quỳnh, đang hoàn thiện những bức ảnh cỡ lớn. Ông cho biết, đây là những tác phẩm đẹp nhất, cảm xúc nhất của mình mà ông dự định sẽ gửi đến tham dự triển lãm ảnh trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Với ông, đó như là món quà của một người con làng gốm gửi đến Thủ đô yêu dấu. Là một chủ lò gốm nhưng ông Quỳnh không tất bật với công việc sản xuất, kinh doanh. Người "nghệ sỹ" tay ngang này tự nhận mình là người yêu mến cái đẹp của quê hương. Dù chỉ là một mái đình cong cong uốn trong ráng chiều đỏ rực, nét mặt thuần phác của con người làng gốm, hay một chiếc lá rơi nhẹ trong cái nắng thu vàng hanh hao... cũng khiến tâm hồn nhạy cảm của ông rung động và được ông lưu lại trong những bức ảnh của mình. Ông cho biết, trong suốt gần 20 năm cầm máy, ông đã ghi lại được hàng vạn bức ảnh về cuộc sống của con người nơi đây, về làng nghề Bát Tràng. Song đối với ông, dù hàng nghìn, hàng vạn bức ảnh cũng không bao giờ thể hiện được hết vẻ đẹp của quê hương. Ông Quỳnh bảo: "Bát Tràng đẹp lắm! Nếu chỉ nhìn nhận Bát Tràng là một làng gốm cổ thì quả là thiếu sót. Nét đẹp của Bát Tràng còn được thể hiện dưới góc độ là một mảnh đất văn hiến, hiếu học. Nơi đây từng có một trạng nguyên được thờ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hàng chục vị tiến sĩ và 300 vị tiên nho, tiên hiền. Hiện tại, hầu hết các gia đình trong xã đều có con em học đại học…". Điều đáng ghi nhận là có những khoảnh khắc trong những tấm hình ông chụp được đến nay không còn nữa do sự đô thị hoá của làng nghề, như bến gốm xưa, những bức tường cũ, con đường làng cổ… Tất cả được ông ghi lại một cách chân thực và sống động. Với ông, những việc làm đó để lại cho thế hệ mai sau thấy được và tự hào về quê hương mình. Ông Quỳnh cho biết, bên cạnh những bức ảnh chụp của mình, ông còn lưu giữ được nhiều bức hình quý, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của làng nghề. Nói xong ông chỉ tay cho tôi xem bức ảnh Bác Hồ về thăm Bát Tràng vào năm 1959 mà ông sưu tầm được… Gallery "Bát Tràng qua hình ảnh" của ông luôn nhộn nhịp người đến thăm. Khách đến đây đều được ông tiếp đón cởi mở chân tình và dẫn đi giới thiệu những bức ảnh, những khoảnh khắc hiếm có về làng gốm cổ Bát Tràng với đầy niềm tự hào. Xem cách ông say sưa giới thiệu, mọi người đều ấn tượng về ông là con người yêu quê hương chân thành, tha thiết. Hiện ông đang là hội viên Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh thành phố Hà Nội. Ngoài việc gửi ảnh đi tham dự triển lãm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, ông Quỳnh dự định sẽ mở một phòng trưng bày ảnh của mình tại làng gốm cổ Bát Tràng trong dịp Thủ đô tròn nghìn năm tuổi./.