Giỏ hàng

Nhân rộng mô hình cổng thông tin điện tử các làng nghề

Năm 2007, Cổng thông tin điện tử của làng nghề Bát Tràng chính thức được khai trương, giúp mọi người tìm kiếm, khai thác những thông tin về lịch sử, văn hóa của làng gốm, hoặc có thể đặt hàng sản phẩm... Sau quá trình hoạt động, cổng thông tin điện tử ngày càng đạt hiệu quả kinh tế-xã hội lớn. Mỗi năm, tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ giao dịch qua cổng đạt từ năm đến sáu tỷ đồng. Mô hình này đang được TP Hà Nội nhân rộng tại các làng nghề khác ở Thủ đô.

Ông Vương Mạnh Hoàng ( bên trái đeo kính )

Sinh ra tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), từ năm 2007, khi còn là sinh viên, Vương Mạnh Hoàng đã ấp ủ ý tưởng thành lập một trang thông tin điện tử để quảng bá, giao dịch các sản phẩm của làng nghề trên mạng in-tơ-nét.  Thời điểm đó, rất ít người Bát Tràng nghĩ đến chuyện đầu tư cho việc này. Mạnh Hoàng không khỏi băn khoăn khi nhiều tác phẩm gốm đẹp nằm phủ bụi ở góc nhà kho, không đến được với tay khách hàng. Trăn trở ấy lớn dần khi Hoàng nhớ hình ảnh đôi bàn tay nhăn nheo của cha vuốt từng mép đất sét, là những buổi theo mẹ gánh gốm xuống bến sông bán cho thuyền buôn, hay những buổi tối ngồi bên hiên nhà nghe các cụ trong làng bàn về từng hoa văn, họa tiết trên gốm... Hoàng nhen nhóm ý tưởng thành lập cổng thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sản xuất, quảng bá sản phẩm gốm, để  gốm Bát Tràng không chỉ ngược xuôi, bập bềnh trên sông nước, trên những chiếc xe thồ của các bà, các chị len lỏi khắp các con phố, làng quê mà nó phải đến được nhiều tổ chức, công ty trên khắp thế giới bằng những cú click chuột chỉ trong vòng chừng vài giây.

Tháng 7-2007, Hoàng cùng một người bạn đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử www.battrang.info. Thời gian đầu, khi vào trang www.battrang.info nhiều người có chung nhận định, trang thông tin có đầy đủ các phần thông tin cần thiết, dễ truy cập, dễ tìm ngay trên trang chủ. Tuy nhiên, do mới ở mức độ sơ khai, cho nên cổng thông tin còn đơn giản. Hoàng đã quyết tâm từng bước mở rộng, biến đây thành một cổng thông tin tiện ích, để mọi người có thể tìm kiếm, khai thác những thông tin có chiều sâu về lịch sử, văn hóa làng gốm Bát Tràng. Qua đó, người ta có thể dễ dàng mua, bán sản phẩm, đặt hàng sản phẩm... Quá trình tìm tư liệu đối với Hoàng gặp không ít khó khăn, nhất là những tư liệu lịch sử. Do các tư liệu hầu hết là bản cứng và nằm trong trí nhớ của các nghệ nhân cao tuổi trong làng. Vương Mạnh Hoàng đã phải mày mò tìm kiếm, đến từng nhà, gặp từng nghệ nhân để xin thông tin, sau đó tỉ mỉ ghi chép. Sau khi thấy đã hòm hòm, đủ cho những người muốn tìm hiểu, khám phá về làng cổ Bát Tràng, anh bắt đầu số hóa các thông tin đó. Có những từ chuyên môn, Hoàng lại phải nhờ các bậc cha chú, những thế hệ kế cận diễn giải lại cho chính xác, dễ hiểu.

Thấy con trai cặm cụi với việc làm trang thông tin điện tử, ông Vương Mạnh Hiển, bố Hoàng cũng chia sẻ, giúp đỡ con. Hai bố con miệt mài ngày này qua ngày khác đi tìm những người lưu trữ thông tin, chụp hình ảnh, thu âm, phỏng vấn và ghi lại các tài liệu đó. Nhiều bậc cao niên, nghệ nhân trong làng thấy việc làm ý nghĩa của hai bố con ông Hiển, cũng nhiệt tình ủng hộ. Nhưng đấy có lẽ mới là khâu "sơ kỳ", các khâu "hậu kỳ" sau khi có tư liệu cũng là một khối lượng công việc hết sức phức tạp như phải mua tên miền, thiết kế web, kiểm tra lỗi, chỉnh sửa trước khi đưa thông tin, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để chỉ cần một vài cú click chuột, những sản phẩm Bát Tràng hiện ra, long lanh đến từng chi tiết... Ban đầu, không ít người nghi ngờ thành công của công việc này, cho nên không có ý định hợp tác, nhiều khi phải mất thời gian cả tháng trời thuyết phục, trình bày ý tưởng với họ, mới có được tư liệu.

 Ðến giờ, cổng thông tin dần dần được hoàn thiện. Khi truy cập vào cổng thông tin www.battrang.info, khách hàng sẽ thấy đây là một trong những cổng thông tin hiện đại, tiện dụng trong các cổng thông tin điện tử về làng nghề của Việt Nam. Những ý tưởng mà Hoàng ấp ủ lâu nay đã dần được hiện thực hóa. Ðó là quảng bá, bán hàng và thực hiện các dịch vụ qua cổng thông tin này. Tại đây, khách hàng được tra cứu thông tin về lịch sử làng nghề, các sản phẩm đặc sắc, các dịch vụ với giá cả đi kèm... Những sản phẩm độc đáo của Bát Tràng được giới thiệu chi tiết về ý nghĩa văn hóa, về kỹ thuật làm. Cổng thông tin còn hướng dẫn đầy đủ về du lịch, các món ăn, đặt hàng trong gói du lịch khi đến Bát Tràng. Ngoài đón những đoàn khách lẻ, khách gia đình, thông qua cổng thông tin này, nhiều đoàn khách của cơ quan, đơn vị đặt tua du lịch tới Bát Tràng. Thậm chí, có lần Cung Văn hóa thiếu nhi qua cổng thông tin đặt gần 1.000 suất cho trẻ em tham quan, học nghề gốm Bát Tràng. Năm 2011, tổng doanh thu đạt được thông qua cổng thông tin là  sáu tỷ đồng. Năm 2012, mặc dù kinh tế nước ta khó khăn, nhưng việc bán hàng, thực hiện các dịch vụ qua cổng thông tin của các hộ gia đình cũng đạt năm tỷ đồng. Qua hoạt động của cổng thông tin, các hộ gia đình còn liên kết sản xuất, khai thác du lịch chặt chẽ hơn. Các gia đình được tham gia cổng thông tin đều không phải đóng khoản chi phí nào.

Hoàng tâm sự: "Mặc dù cổng thông tin đã thu được hiệu quả nhất định, nhưng tôi cho rằng, quảng bá chỉ là một khâu để khách hàng tìm đến, chất lượng sản phẩm mới là khâu quyết định. Hạn chế hiện nay của nhiều làng nghề đó là chưa chú trọng khâu thiết kế mẫu. Bên cạnh đó là tâm lý làm ăn chộp giật, không giữ chữ tín trong kinh doanh. Thường thì làm hàng mẫu thì đẹp, nhưng khi đặt sản xuất hàng loạt thì không bảo đảm chất lượng như hàng mẫu, nếu như vậy thì rất khó làm ăn lâu dài được. Năm 2013, chúng tôi dự định mở rộng số lượng các hộ gia đình tham gia cổng thông tin. Song, chất lượng sản phẩm, dịch vụ luôn phải đặt lên hàng đầu".

Ước mơ sáng tạo ra công cụ tìm kiếm thông tin nhanh chóng về làng gốm của Hoàng đã thành hiện thực. Từ những thành công của cổng thông tin về Bát Tràng, Vương Mạnh Hoàng được Sở Công thương Hà Nội mời tham gia chương trình đào tạo các doanh nghiệp tại làng nghề, xây dựng trang thông tin điện tử và cách thức làm nội dung để có thể quảng cáo sản phẩm, dịch vụ làng nghề dễ dàng.

Vương Mạnh Hoàng hiện đang là Giám đốc công ty CP Tích Hợp Dịch vụ số, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về Marketing online tại Hà Nội. Trong 8 năm xây dựng và phát triển cổng thông tin Gốm sứ Bát Tràng anh đã giúp cho làng nghề Bát Tràng phát triển kinh doanh mạnh mẽ, xây dựng mô hình kinh doanh hoàn hảo để các đơn vị kinh doanh gốm sứ. Với sự thành công mô hình battrang.info anh Vương Mạnh Hoàng đã được Sở Công thương Hà Nội, VCCI, Đại học Ngoại Thương, Học viện Bưu chính Viễn thông, FPT... giới thiệu mô hình và tư vấn cho các doanh nghiệp cần triển khai về Marketing online.

Facebook Youtube Top