Giỏ hàng

Thực hư chuyện làng Bát Tràng suýt bị 'xóa sổ'

Giai thoại dân gian kể rằng, việc đầu tiên sau khi vua Quang Trung thống nhất đất nước là tập trung trị thủy để phát triển nông nghiệp.

Và những vùng đất quanh thành Thăng Long trở thành khu vực “thí điểm” đầu tiên, trong đó có vùng đất làng Bát Tràng ngày nay. Công tác “giải tỏa mặt bằng” đang chuẩn bị tiến hành thì một vị ân nhân xuất hiện, cứu cả làng thoát khỏi “án tử”. Người đó là ai? Dấu tích những viên gạch Bát Tràng xưa tại nhờ thờ cụ Lê Hữu Mưu làng Liêu Xá ngày nay. Dấu tích những viên gạch Bát Tràng xưa tại nhờ thờ cụ Lê Hữu Mưu làng Liêu Xá ngày nay. Vị cứu tinh bất ngờ Tương truyền rằng, sau khi vua Quang Trung đẩy lùi được cuộc xâm lược của nhà Thanh, ông đã cải tạo lại hệ thống sông ngòi để tiện cho việc dùng binh khi cần thiết, đồng thời phục vụ việc trị thủy canh nông. Theo quy hoạch, gần như toàn bộ làng Bát Tràng phải di dời đi chỗ khác. Toàn bộ đất khu vực này sẽ được đào lên để phục vụ cho việc trị thủy và điều hướng dòng nước. Vì thế, dân tình lúc đó không tránh được những lo lắng, bất an vì cơ nghiệp cha ông bao đời có nguy cơ biến mất. Rất may, một vị cứu tinh bất ngờ xuất hiện và giúp cho làng Bát Tràng thoát khỏi “án tử” trong gang tấc.

Ông là quan Tham luận đạo trung quân Bắc Thành Lê Hữu Dụ. Lê Hữu Dụ (1772 - ?) sinh ra tại làng Liêu Xá (nay thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), tự là Minh Đoán, hiệu là Đạt Lý, tước Dụ nghĩa hầu dưới triều vua Quang Trung. Ông sinh trưởng trong dòng họ nổi tiếng khoa bảng của đất Liêu Xá, là cháu nội của tiến sĩ Lê Trọng Tín và là cháu của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Lê Hữu Dụ là người thông minh, ham học, từ nhỏ đã có chí theo nghiệp bút nghiên. Thế nhưng do sinh vào đời loạn, lại lớn lên trên mảnh đất quanh năm có giặc giã nên ông đành phải xếp bút nghiên để theo nghiệp binh đao. Sau này, khi quân Tây Sơn ra Bắc, ông được vua Quang Trung vời ra giúp nước và đảm nhận chức quan Tham luận Đạo trung quân Bắc thành. Vì thế, ông có thể được coi là người văn võ toàn tài. Gia phả dòng họ Lê Hữu làng Liêu Xá chép rằng, sau khi vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh, ông tập trung vào phục hồi kinh tế, trong đó trọng tâm là phát triển nông nghiệp. Lúc bấy giờ, để tiện cho việc canh nông của người dân được thuận lợi, hơn nữa cũng để tiện cho việc dùng binh sau này, vua Quang Trung đã có kế hoạch cải tạo một loạt sông ngòi quanh Thăng Long. Công việc được giao xuống cho các viên đốc trấn lập kế hoạch cũng như xem xét tình hình cụ thể rồi trình báo lên nhà vua. Sau một thời gian khảo sát và tìm hiểu cụ thể, các viên đốc trấn đã vẽ sơ đồ cùng kế hoạch chi tiết trình lên vua để thực hiện. Khi nhận được bản kế hoạch, vua Quang Trung đã giao cho Lê Hữu Dụ đi khảo sát lại tổng thể. Quá trình khảo sát lại, vị quan Lê Hữu Dụ thấy bản báo cáo của các quan đốc trấn rất chi tiết và đầy đủ, duy chỉ có điểm thuộc về làng Bát Tràng là có điểm không ổn. Theo kế hoạch quan đốc trấn ở đây trình lên, dự án cải tạo sông ngòi sẽ phải đào qua một nửa làng Bát Tràng. Lúc bấy giờ, sau những năm chiến tranh liên miên, dân cư ly tán khắp nơi vừa mới trở về. Cuộc sống, sinh hoạt mới lập lại, nghề gốm cũng chỉ mới được phục hồi nên dân tình vô cùng khổ cực. Khi đi khảo sát thực địa, Lê Hữu Dụ thấy nhà cửa nơi đây xơ xác, nhân dân đói khổ thì lấy làm thương tâm lắm, liền nghĩ: “Dân ở đây, sau thời loạn lạc, mới ổn định cuộc sống. Nay nếu vì đào sông mà khiến dân làng lại phải ly tán, lìa bỏ cơ nghiệp, bỏ mặc mồ mả tổ tông bao đời thì thật là cực khổ biết chừng nào. Nay ta thử về tâu trình lên vua, hi vọng có thể thay đổi bản kế hoạch thì tốt cho dân chúng nơi đây mà ta cũng không mang tiếng người tắc trách”. Sau những lời khẩn cầu của vị quan Lê Hữu Dụ, vua Quang Trung chấp thuận và giao cho ông lập kế hoạch mới thay thế. Vậy là làng Bát Tràng được cứu trong gang tấc. Những chứng tích lưu lại Ông Lê Hữu Quang - trưởng tộc dòng họ Lê Hữu ở làng Liêu Xá - cho biết, sau khi kế hoạch ban đầu bị loại bỏ, cụ Lê Hữu Dụ phải lĩnh trách nhiệm thiết kế lại kế hoạch trị thủy. Theo đó, con sông sẽ được đào vòng qua làng Bát Tràng chứ không đi xuyên qua như kế hoạch ban đầu. Làm như vậy tuy mất thêm công sức nhưng cứu được cả một làng nghề. Ngôi nhà thờ do người dân Bát Tràng xây ở làng Liêu Xá góp gạch, ngói và nguyên vật liệu. Ngôi nhà thờ do người dân Bát Tràng xây ở làng Liêu Xá góp gạch, ngói và nguyên vật liệu. Ông Lê Hữu Quang kể: “Khi đó, cụ Lê Hữu Dụ liền thưa với vua Quang Trung rằng, nước ta sau bao năm chiến tranh, vừa rồi lại gặp nạn giặc phương Bắc, lòng dân ly tán khắp nơi. Nay bệ hạ mới lên ngôi, lại vừa mới bình định đất Bắc Hà nên chắc chắn lòng dân không khỏi hồ nghi. Nay vì cố cải tạo sông mà làm ly tán thêm lòng dân thì chẳng phải là điều không nên ư? Chi bằng ta đào vòng qua đó, dẫu có mất chút công sức nhưng thứ nhất vừa yên lòng dân, thứ nữa là cho thấy đức cao dày của bệ hạ. Thật là một công đôi việc vậy. Vua Quang Trung nghe lời tấu trình thấu tình đạt lý liền ưng chuẩn. Nhờ vậy mà cả làng Bát Tràng không phải rời đi như kế hoạch ban đầu nữa”. Hiện nay, những giai thoại mà người dân làng Bát Tràng còn lưu giữ được vẫn có câu chuyện này. Giai thoại nơi đây còn kể thêm rằng, lúc bấy giờ, sau khi biết tin cả làng được cứu thì dân tình vui mừng khôn xiết. Các bô lão đại diện cho làng mang quà đến cảm ơn nhưng cụ Dụ dứt khoát không nhận. Sau không biết làm thế nào, đoàn người phải kéo nhau về. Nhưng mấy năm sau đó, khi cụ Lê Hữu Dụ có ý định xây một nhà thờ họ tại làng, người dân Bát Tràng đã sai con cháu gánh gạch, ngói và vật liệu xây dựng khác xuống tận làng Liêu Xá để xây nhà thờ họ giúp cụ Lê Hữu Dụ. Ông Lê Hữu Quang cho biết: “Dòng họ Lê Hữu chúng tôi, các cụ làm quan rất to, người thì làm tới chức thượng thư, người thì làm tới chức tả thị lang..., nhưng gia cảnh vẫn rất nghèo. Các cụ khi đương chức thì sống ở kinh đô, khi về trí sĩ thì lại sống nghèo túng như xưa, ở thì toàn nhà tranh, vách đất. Cứ như vậy mấy đời mà không ai xây được một nhà thờ họ bằng gạch cả.

Cụ Lê Hữu Dụ thấy thế thương lắm, định xây một căn nhà thờ nhỏ bằng gạch để thờ ông nội là tiến sĩ Lê Hữu Mưu. Sau khi biết tin, người dân làng Bát Tràng gánh gạch, ngói xuống giúp". Ban đầu, cụ Dụ một mực từ chối không nhận, nhưng các vị bô lão làng Bát Tràng nói rằng: “Nhờ ơn quan lớn mà dân làng chúng tôi được an tâm làm ăn, đất hương hỏa không bị đào bới, thật là cái phúc cho dân làng vậy. Nay dân làng có chút lòng thành để tri ân công đức và ngài với dân chúng tôi, nay nếu ngài không nhận thì chúng tôi mang tiếng là những người bạc nghĩa, mà cũng để tiếng xấu cho con cháu sau này”. Cụ Lê Hữu Dụ nghe thế lấy làm cảm động mà nhận. Nhờ đó, nhà thờ tiến sĩ Lê Hữu Mưu đã được xây dựng toàn bằng gạch, ngói Bát Tràng. Ngôi nhà thờ rộng 3 gian vẫn còn vững chãi tới tận ngày nay. Hiện nay, các tài liệu về nhà Tây Sơn còn lại rất ít nên không có đủ căn cứ sử liệu để khẳng định câu chuyện trên là đúng. Thế nhưng, dựa vào gia phả của dòng họ Lê Hữu (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) và cứ liệu lịch sử còn lại tới ngày nay, chúng ta có thể tin câu chuyện này là có thật. Ngôi nhà thờ do làng Bát Tràng xây vẫn chắc chắn sau hơn 200 năm Gia phả dòng họ Lê Hữu chép rằng, ngôi nhà thờ tiến sĩ Lê Hữu Mưu được xây dựng tháng 11/1807. Vật liệu xây dựng và công sức đều do người dân Bát Tràng bỏ ra thực hiện để trả ơn cụ Lê Hữu Dụ. Hiện nay, ngôi nhà thờ đó vẫn còn. Ông Lê Hữu Quang - cho biết: “Ngôi nhà thờ dù đã được xây dựng hơn 200 năm nhưng không hề xuống cấp hay sụt lún. Trước đây, tường được để trần không trát bên ngoài. Nhưng để đảm bảo tuổi thọ nên thời gian qua, dòng họ quyết định trát bên ngoài và sửa sang trông như hiện nay”.

Facebook Youtube Top