Văn hoá Bát Tràng trong cái nôi văn hoá Thăng Long
Văn hoá Bát Tràng trong cái nôi văn hoá Thăng Long Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi cho biết: Trong số đồ cống nạp phong kiến phương Bắc, “làng Bát Tràng phải cung ứng 70 bộ bát đĩa”. Kể cũng lạ, nước Tàu có nghề làm gốm men phát triển và nổi tiếng thế mà lại nhận đồ cống bằng gốm men của làng Bát Tràng như một tặng vật quý hiếm.
Vào những ngày Thăng Long- Hà Nội “chạm” đến thời khắc nghìn tuổi, làng nghề bên sông Hồng vẫn ngày ngày nung gốm, đưa sản phẩm tỏa đi muôn phương, như cách để khẳng định một thương hiệu, một nét văn hóa Thăng Long không dễ mất đi theo thời gian.
Nghệ nhân trẻ làng Bát Tràng đang vẽ hoa văn trên gốm.
Xã Bát Tràng hiện nay gồm hai làng Bát Tràng và Giang Cao gộp lại, là một trong 31 xã của huyện Gia Lâm, trước thuộc tỉnh Bắc Ninh, từ năm 1961 thuộc ngoại thành Hà Nội. Căn cứ theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi soạn vào giữa thế kỷ XV thì tên gọi Bát Tràng có từ thời Lê Sơ. Tương truyền, lúc đầu, có 5 cụ thuộc các dòng họ Lê, Trần, Văn, Phạm, Nguyễn, đem gia quyến đến vùng có 72 gò đất trắng này lập nghiệp. Họ sống quần tụ với những người dòng họ Nguyễn Ninh Tràng, lập thành phường sản xuất gốm, gọi là Bạch thổ phường. Nghề gốm ngày một phát triển, số gia đình ở Bồ Bát kéo ra ngày một đông, nhiều nhất là vào giai đoạn Lê Trung Hưng. Tới lúc ấy, ở Bát Tràng đã có 20 dòng họ khác nhau hành nghề gốm. Người thợ gốm ở Bát Tràng có tập tục riêng thể hiện tính nghề nghiệp rõ nét. Con dao mây đóng vai trò quan trọng trong tạo hình gốm, là vật tùy thân rất gần gũi với đàn ông làng gốm Bát Tràng. Khi sống họ luôn mang nó bên mình, đến khi qua đời thì hầu như người thợ nào cũng dặn dò con cháu hãy chôn theo mình. Còn về cưới xin, xưa kia ở Bát Tràng, phần nhiều trai gái trong làng lấy nhau để nghề nghiệp không bị lộ ra ngoài. Con gái Bát Tràng lấy con trai làng khác là điều hiếm thấy.
Lúc đầu, người thợ Bát Tràng khai thác đất sét trắng ngay tại chỗ. Chất liệu này đảm bảo tinh dẻo, ít bã và ít phải gia cố trước khi tạo hình. Cho đến cuối thời Lê, các gò đất sét trắng của phường Bạch Thổ đã cạn, người thợ Bát Tràng dùng đất lấy ở Rau (Sơn Tây), Cổ Điển (Phúc Yên) và đặc biệt là đất Dân Canh (Đông Anh). Từ cuối thời Lê trở đi, người thợ Bát Tràng sử dụng đất sông Dâu làm nguyên liệu chính. Trong khâu tạo dáng đồ gốm, xưa kia ở Bát Tràng phổ biến là lối be chạch vuốt tay trên bàn xoay. Tùy theo vật dụng định làm mà người thợ dùng chân để xoay, dùng tay để vuốt. Kết quả là họ đã tạo ra những sản phẩm đơn chiếc. Kiểu vuốt tay này hiện nay ở Bát Tràng không phải người thợ gốm nào cũng làm được. Ngày nay, gốm Bát Tràng đã “chu du” khắp bốn phương trời, đem nét văn hóa Thăng Long tỏa đi muôn phương. Tài liệu giới thiệu cuộc triển lãm do Hội gốm sứ Đông Nam Á tổ chức tại Bảo tàng quốc gia Sin-ga-po hồi tháng 6-1982 cũng đã chứng minh quan hệ giao thương của đồ gốm Bát Tràng với đồ gốm Su-Khô-Thai (Thái Lan), Nam Trung Quốc và Nhật Bản.